Sắp đến cuối năm 2022, doanh nghiệp cần nộp báo cáo lao động như thế nào? – Thanh Nhàn (Đồng Nai).
>> Công ty có quyền thu giữ, kiểm tra điện thoại của nhân viên không?
>> Bị mất việc do doanh nghiệp hết đơn hàng, công nhân được hỗ trợ gì?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 73 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về thời hạn định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động của doanh nghiệp như sau:
2. Định kỳ 06 tháng (trước ngày 05 tháng 6) và hằng năm (trước ngày 05 tháng 12), người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Theo quy định này, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện báo cáo tình hình thay đổi lao động 02 lần/năm; và hạn chót để nộp báo cáo lao động cuối năm 2022 là trước ngày 05/12/2022.
Doanh nghiệp nào cũng phải hiện báo cáo tình hình lao động theo đúng quy định, nếu không báo cáo hoặc để quá thời hạn quy định mới nộp báo cáo lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP; Cụ thể:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
c) Không báo cáo tình hình thay đổi về lao động theo quy định;
Theo đó, nếu người sử dụng lao động vi phạm là cá nhân thì sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng, còn trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm thì bị phạt gấp đôi với số tiền từ 10 - 20 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
>> Xem chi tiết tại công việc: Báo cáo sử dụng lao động định kỳ 6 tháng và hằng năm
Doanh nghiệp cần chuẩn bị cho báo cáo lao động cuối năm 2022 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn 01 trong 03 cách sau để thực hiện báo cáo lao động cuối năm 2022:
(1) Báo cáo online trên Cổng dịch vụ công quốc gia
Doanh nghiệp khai trực tiếp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia mà không cần nộp file hay giấy tờ gì kèm theo.
Trường hợp doanh nghiệp không thể báo cáo tình hình thay đổi lao động thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia thì gửi báo cáo bằng bản giấy (Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP) đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
(2) Nộp hồ sơ giấy cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội
Hồ sơ bao gồm: Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Doanh nghiệp chỉ cần in và điền mẫu này, ký đóng dấu và gửi cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
(3) Nộp báo báo lao động của email của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Hồ sơ bao gồm: Bản sao mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã được điền đầy đủ thông tin, ký, đóng dấu của doanh nghiệp.
Lưu ý: Doanh nghiệp phải công bố các thông tin như sau:
+ Số vụ tai nạn lao động, số vụ tai nạn lao động chết người;
+ Số người bị tai nạn lao động, số người bị chết do tai nạn lao động;
+ Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn;
+ Thiệt hại do tai nạn lao động;
+ Sự biến động (về số lượng, tỷ lệ) các số liệu thống kê của các thông tin trên so với cùng thời kỳ hoặc giai đoạn báo cáo; phân tích nguyên nhân biến động và hiệu quả của các biện pháp phòng chống tai nạn lao động.
Thông tin công bố phải được niêm yết công khai tại trụ sở của cơ sở và cấp tổ đội, phân xưởng (đối với các tổ đội, phân xưởng có xảy ra tai nạn lao động) và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ sở (nếu có).