Vì muốn kiếm thêm thu nhập nên tôi đi làm cùng lúc tại 02 công ty và đều được ký hợp đồng lao động. Vậy cho hỏi trong trường hợp này thì tôi sẽ phải đóng các loại bảo hiểm như thế nào? Mong được hỗ trợ. - Đây là thắc mắc của Chị Nguyệt – Cù Lao Chàm, TP. Hội An.
>> Không làm hồ sơ có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
>> Mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Căn cứ theo các quy định hiện hành, trường hợp Chị Nguyệt làm việc tại nhiều công ty cùng lúc thì chế độ bảo hiểm được thực hiện như sau:
1. Đối với Bảo hiểm xã hội:
- Đối với quỹ hưu trí, tử tuất:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
- Đối với quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Đối với bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013, trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
3. Đối với bảo hiểm y tế
Theo khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014), trường hợp đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Như vậy, nếu người lao động làm việc cùng lúc tại nhiều công ty thì đóng bảo hiểm như sau:
- Bảo hiểm xã hội (quỹ hưu trí, tử tuất): đóng tại công ty ký hợp đồng lao động đầu tiên;
- Bảo hiểm xã hội (quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp): đóng ở tất cả các công ty đã ký hợp đồng lao động (tuy nhiên người lao động không cần phải đóng vào quỹ này mà người sử dụng lao động sẽ đóng);
- Bảo hiểm thất nghiệp: đóng tại công ty ký hợp đồng lao động đầu tiên;
- Bảo hiểm y tế: đóng tại công ty ký hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!
Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc áp dụng từ ngày 01/7/2022
Bị bệnh trong thời gian nghỉ phép năm, có được hưởng chế độ ốm đau?
Có được cùng lúc hưởng chế độ thai sản với trợ cấp thất nghiệp?
Xin con nuôi là trẻ sơ sinh thì có được hưởng chế độ thai sản?
Chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội, làm sao để được hưởng lương hưu?