Chào luật sư, trường hợp của em cụ thể như sau: Em được nhận vào công ty TNHH có trụ sở ở quận Gò Vấp và làm việc ở Phòng giao dịch của một ngân hàng tại quận Bình Tân từ ngày 8/5/2013 với công tác vệ sinh tình chất thường xuyên, có chấm công hàng tháng và phiếu đánh giá chất lượng dịch vụ gửi về công ty. Do không am hiểu luật lao động và thấy công việc phù hợp nên em làm , sau 1 tuần giám sát của công ty có đến xem và hỏi ý kiến là em phù hợp nên tiếp tục làm Lúc đó em có hỏi về hợp đồng thì được biết làm qua 3 tháng em sẽ được ký xác nhận làm việc rồi thôi. Năm 2013 em và công ty đã thỏa thuận mức lương 2,5 triệu, chốt 24 ngày công, ngày 5 phát lương và 20 tạm ứng . Cụ thể 8/5/2013 e làm tới 20/5/2013 : ứng 1 triệu đến 5/6/2013 phát lương của tháng 5 sau khi trừ lại phí khoản mở thẻ 50.000 đồng và đồng phục 120.000 đồng/áo em nhận được 996.000. Em xem lại sao kê tài khoản thì phía công ty cho em biết là 20/5/2013 em không được ứng vì em mới vào làm. Từ 8/5/2013 đến 5/6/2013 là lương của tháng 5 em chỉ nhận được 961.000 đồng sau khi công ty khấu trừ như vậy với 2,5 triệu đồng/24 ngày công, có 4 ngày thứ 7 em làm nửa ngày thì có phải em bị giữ lại lương không và tính như thế nào? Em có khiếu nại với phía công ty và chính giám đốc ngân hàng nơi em làm cũng vài lần giúp em liên hệ trực tiếp với công ty nhưng công ty khẳng định không thực hiện. Từ ngày 8/5/2013 đến ngày 3/6/2018, giám sát yêu cầu em bàn giao lại cho nghỉ ở nhà mà không có lý do ., suốt thời gian làm việc em không được hưởng quyền lợi ,lợi ích gì hết mà công ty có giữ lại lương 2 tuần từ ngày 8/5/2018 đến khi cho em nghỉ việc không chịu thanh toán mà nói không giữ. Trường hợp em như vậy thì xác định như thế nào và mong phía luật sư hướng dẫn cụ thể giúp em lấy lại quyền lợi cho em. Cảm ơn
>> Tiêu chuẩn nhiệt độ môi trường làm việc
>> Cách thức xử lý đối với trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc?
Chào anh Khiêm,
PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP đã nhận được câu hỏi của anh thông qua tiện ích Hỏi đáp trên website phaplykhoinghiep.vn, nên Ban hỗ trợ có ý kiến trao đổi như sau:
Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012, người lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc làm thử bao gồm , quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Với công việc nhân viên vệ sinh như anh đề cập thì theo quy định, thời gian thử việc (nếu có thỏa thuận) không quá 06 ngày. Sau khi kết thúc thời gian thử việc, nếu người lao động đạt yêu cầu thì công ty phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.
Trong thời gian thử việc, tiền lương thử việc do các bên thỏa thuận nhưng tối thiểu phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Anh vui lòng tham khảo để xác định về thời gian làm việc, thời điểm giao kết hợp đồng và tiền lương mình đáng lẽ được nhận có phù hợp với quy định của pháp luật hay không.
Theo lời anh trình bày, công ty không trả lương cho những ngày anh đã làm việc thực tế và giữ chấm công hàng tháng và phiếu đánh giá chất lượng dịch vụ công việc anh làm, thì để đòi lại tiền lương cho những ngày anh đã làm việc, trước hết anh cần thu thập bằng chứng, chứng cứ chứng minh thời gian anh đã làm việc cho công ty đó (như giấy tờ phân công công việc, giấy tờ bàn giao, ...).
Khi chứng minh được anh đã làm việc cho công ty nhưng không được trả lương, tức là quyền và lợi ích của anh bị xâm phạm.
Khi người lao động bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp mà người sử dụng lao động không giải quyết được khiếu nại lần đầu của người lao động thì NLĐ có thể khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai theo trình tự thủ tục quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP hoặc hoặc khởi kiện tại tòa án nhân dân cấp huyện.
Vì đây là tranh chấp lao động cá nhân, nên thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động là Hòa giải viên lao động và Tòa án nhân dân. Tranh chấp lao động phải được giải quyết bằng hòa giải trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, tuy nhiên trường hợp bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì không bắt buộc phải làm thủ tục hòa giải mà có thể trực tiếp yêu cầu Tòa án giải quyết. Trình tự thủ tục khởi kiện, anh thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Anh có thể khiếu nại hoặc khởi kiện với những căn cứ sau:
Thứ nhất, công ty vi phạm về việc không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng, nên mức xử phạt là từ 2.000.000 đến 4.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động (theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP).
Thứ hai, công ty có thể vi phạm đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật. Vì trường hợp của anh/chị làm việc 5 năm thì đây là hợp đồng không xác định thời hạn, nên nếu công ty muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì phải báo trước 45 ngày. Theo như anh trình bày, công ty ép anh nghỉ việc, nhưng không nói rõ là từ ngày ép nghỉ việc đến ngày chính thức nghỉ việc là bao lâu nên Ban hỗ trợ đưa ra thông tin để anh tham khảo. Cụ thể:
Nếu công ty vi phạm thời hạn báo trước 45 ngày thì công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật. Công ty phải thực hiện nghĩa vụ phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Ngoài ra, còn phải bồi thường khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Anh có thể xem thêm về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật tại đây.
Thứ ba, công ty vi phạm việc khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật lao động 2012.
Theo như anh trình bày thì 2,5 triệu đồng tính cho 24 ngày công, do đó thời gian làm việc nửa ngày thứ 7 cũng đã bao gồm trong số tiền này. Trong tháng 5/2013 anh chỉ làm từ ngày 8/5/2013 đến 31/5/2013 (trong đó có 3 ngày chủ nhật và 3 ngày thứ 7) nên tiền lương được tính cho tháng này anh thực tế làm là 19,5 ngày.
Tiền lương tháng 5/2013 của anh = 2,5 triệu/24 x 19,5 ngày công thực làm = 2.031.000 đồng.
Trừ tiền mở thẻ và tiền đồng phục thì anh còn lại 1.861.000 đồng.
Nhưng anh chỉ thực nhận 961.000 đồng. Do vậy số tiền công ty còn chưa trả là 900.000 đồng.
Đối với hành vi trả lương không đầy đủ thì doanh nghiệp vi phạm khấu trừ lương trái luật, mức xử phạt là 10.000.000 đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.
Ngoài ra còn có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc công ty phải trả đủ tiền lương cho người lao động và khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Anh cũng cần lưu ý về thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Một số ý kiến trao đổi cùng anh.
Trân trọng.