Trước đây, công ty đóng bảo hiểm xã hội full lương (10 triệu đồng/tháng); tuy nhiên, các tháng gần đây công ty chỉ đóng với mức lương 6 triệu đồng/tháng – Ánh Hồng (Quảng Nam).
>> Thử việc hơn 03 tháng nhưng chưa được ký hợp đồng lao động, tôi phải làm sao?
>> Người lao động phải đóng bao nhiêu tiền vào quỹ phòng, chống thiên tai năm 2023?
Tôi có thắc mắc với công ty thì được giải đáp là: “Công ty đang gặp khó khăn về tài chính, nên phải giảm tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội của người lao động để phần nào hỗ trợ công ty thoát khỏi khó khăn trong giai đoạn này”. Việc công ty tự ý giảm tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như vậy có đúng quy định pháp luật hay không?
Theo khoản 4 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nghiêm cấm việc gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội.
Đồng thời theo điểm b khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, việc đóng bảo hiểm xã hội không đúng mức sẽ bị xử phạt hành chính.
Như vậy, công ty tự ý giảm tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, công ty và người lao động cũng không được quyền thỏa thuận đóng bảo hiểm xã hội ở mức thấp hơn quy định của pháp luật.
Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Lương tính đóng Bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa)
Người lao động cần yêu cầu công ty đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đúng với mức lương tính đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật, đồng thời bạn nên giải thích cho người sử dụng lao động biết được các biện pháp chế tài có thể gặp phải khi tự ý giảm tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong trường hợp công ty vẫn không thực hiện việc đóng bảo hiểm đúng mức theo quy định của pháp luật thì bạn nên nhờ công đoàn hỗ trợ; trong trường hợp vẫn không đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng thì bạn cần thực hiện việc khiếu nại, khởi kiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc phải gánh chịu các chế tài sau đây:
(i) Hình phạt chính:
- Mức phạt tiền đối với cá nhân: Theo điểm b khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đóng bảo hiểm xã hội không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng.
- Mức phạt tiền đối với tổ chức: Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
(ii) Biện pháp khắc phục hậu quả:
Khoản 10 Điều 39 Nghị định 12/2022/ND-CP quy định nghĩa vụ pháp lý của người sử dụng lao động phải thực hiện nhằm hạn chế và khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm, bao gồm:
- Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng; Nếu người sử dụng lao động không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm từ 30 ngày trở lên.