Cơ quan nào quy định tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ? Quy định về công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và tình trạng kỹ thuật đường ngang như thế nào?
>> Giá khởi điểm là gì? Giá khởi điểm của tài sản đấu giá được xác định tại thời điểm nào?
>> Cổ phần là gì? Hiện nay có mấy loại cổ phần?
Ngày 07/09/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khố giới hạn của đường bộ; công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2015.
Như vậy, cơ quan quy định tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ là Bộ Giao thông vận tải.
[TIỆN ÍCH] >> CÔNG VIỆC PHÁP LÝ
Cơ quan nào quy định tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 35/2023/TT-BGTVT) bao gồm những nội dung sau:
(i) Tải trọng của đường bộ là khả năng chịu tải khai thác của cầu cầu và đường để bảo đảm tuổi thọ công trình theo thiết kế.
(ii) Khả năng chịu tải khai thác của cầu được xác định theo hồ sơ thiết kế cầu và tình trạng kỹ thuật thực tế của cầu, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng một trong các biển báo hiệu theo quy định về báo hiệu đường bộ như sau:
- Biển báo hiệu “Hạn chế trọng tải toàn bộ xe”.
- Biển báo hiệu “Loại xe hạn chế qua cầu”.
- Biển báo hiệu “Tải trọng trục hạn chế qua cầu”.
(iii) Khả năng chịu tải khai thác của đường được xác định theo hồ sơ thiết kế mặt đường và tình trạng kỹ thuật thực tế của đường, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo “Hạn chế tải trọng trên trục xe” theo quy định về báo hiệu đường bộ.
Tại Điều 5 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 35/2023/TT-BGTVT), khổ giới hạn của đường bộ bao gồm những nội dung sau:
(i) Khổ giới hạn của đường bộ là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao, chiều rộng của đường, cầu, bến phà, hầm đường bộ để các xe, kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn.
(ii) Khổ giới hạn về chiều cao của đường bộ là 4,75 mét đối với đường cao tốc, đường cấp I, II, III và 4,5 mét đối với đường cấp IV trở xuống hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu “Hạn chế chiều cao” theo quy định về báo hiệu đường bộ.
(iii) Khổ giới hạn về chiều rộng của đường bộ là giới hạn chiều rộng làn xe để các xe, kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn, phụ thuộc vào cấp kỹ thuật của đường bộ và địa hình xây dựng tuyến đường.
Theo Điều 6 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 35/2023/TT-BGTVT) quy định công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và tình trạng kỹ thuật đường ngang như sau:
(i) Cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm công bố tải trọng và khổ giới hạn của quốc lộ (trừ các trường hợp quy định tại khoản (ii), (iv) Mục này).
- Cập nhật tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và tình trạng kỹ thuật của đường ngang trong phạm vi cả nước do các cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản (ii), (iii) và (iv) Mục này cung cấp trên Trang thông tin điện tử của Cục Đường bộ Việt Nam.
(ii) Cục Đường cao tốc Việt Nam chịu trách nhiệm công bố tải trọng và khổ giới hạn của các tuyến đường cao tốc được phân cấp, ủy quyền trên Trang Thông tin điện tử của Cục Đường cao tốc Việt Nam.
- Đồng thời gửi số liệu về Cục Đường bộ Việt Nam để cập nhật trên Trang thông tin điện tử của Cục Đường bộ Việt Nam.
(iii) Cục Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm công bố tình trạng kỹ thuật đường ngang của mạng lưới đường sắt Việt Nam trên Trang Thông tin điện tử của Cục Đường sắt Việt Nam.
- Đồng thời gửi số liệu về Cục Đường bộ Việt Nam để cập nhật trên Trang thông tin điện tử của Cục Đường bộ Việt Nam.
(iv) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ do địa phương quản lý (bao gồm cả dự án đường bộ đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên hệ thống quốc lộ mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền) trên Cổng Thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ theo thẩm quyền, Sở Giao thông vận tải (cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) gửi số liệu về Cục Đường bộ Việt Nam để cập nhật trên Trang thông tin điện tử của Cục Đường bộ Việt Nam.
(v) Các cơ quan và người có thẩm quyền quy định tại khoản (i), (ii), (iii) và (iv) Mục này công bố công khai thông tin tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 35/2023/TT-BGTVT.