Tôi bị công ty tạm đình chỉ công việc 15 ngày nhưng sau đó không bị xử lý kỷ luật. Vậy trường hợp này, tôi có được công ty đóng bảo hiểm xã hội không? – Lan Vy (Nghệ An).
>> Sau khi nghỉ chế độ thai sản thì sang công ty mới, có tiếp tục hưởng chế độ dưỡng sức?
>> Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, có được hỗ trợ tiền học nghề không?
Căn cứ khoản 2 Điều 29 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động bị tạm đình chỉ công việc được quy định như sau:
Điều 29. Tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội
…
2. Người lao động bị tạm đình chỉ công việc thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, nếu người lao động được trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc thì người lao động và người sử dụng lao động thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp người lao động tạm đình chỉ công việc nhưng không bị xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
Điều 128. Tạm đình chỉ công việc
…
4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
Theo quy định nêu trên, bạn bị đình chỉ công việc 15 ngày nhưng không bị xử lý kỷ luật lao động thì bạn vẫn được công ty trả đủ lương cho 15 ngày này. Do đó, trường hợp này, công ty vẫn phải thực hiện đóng bù bảo hiểm xã hội cho bạn đối với thời gian bạn bị tạm đình chỉ công việc.
Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản sửa đổi, hướng dẫn thi hành 2023 |
Có phải đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian người lao động bị tạm đình chỉ công việc?
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được quy định như sau:
- Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
- Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương là tiền lương do doanh nghiệp quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương là tiền lương do đại hội thành viên quyết định.
Căn cứ Điều 18 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại khoản 4 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đối với người lao động, người sử dụng lao động trừ các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được thực hiện như sau:
(i) Các trường hợp truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động bao gồm:
- Điều chỉnh tăng tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
- Đóng bù thời gian chưa đóng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
(ii) Số tiền truy thu, truy đóng bảo hiểm xã hội được tính như sau:
- Đối với các trường hợp (i) nêu trên số tiền truy thu không phải tính lãi chậm đóng.
Trường hợp sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động về nước mới thực hiện truy đóng bảo hiểm xã hội thì số tiền truy thu bảo hiểm xã hội được tính bao gồm số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.
- Lãi suất truy thu được lấy bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề của năm tính truy thu.
(iii) Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.