Độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại là gì? Có mấy loại hàng hóa độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại? Hoạt động thương mại gồm những hoạt động nào?
>> Dịch vụ tại cảng biển là gì?
>> Digital marketing là gì? Vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp ngành marketing tại doanh nghiệp?
Độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại hay còn gọi là hoạt động thương mại độc quyền nhà nước là các hoạt động thương mại chỉ do cơ quan nhà nước có quyền thực hiện hoặc các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao thực hiện (Điều 3 Nghị định 94/2017/NĐ-CP).
Căn cứ Phụ lục ban hành kèm Nghị định 94/2017/NĐ-CP, có 20 loại hàng hóa độc quyền nhà nước trong hoạt động thường mại, bao gồm:
(i) Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
(ii) Vật liệu nổ công nghiệp.
(iii)Vàng miếng.
(iv) Vàng nguyên liệu.
(v) Xổ số kiến thiết.
(vi) Thuốc lá điếu, xì gà.
(vii) Hoạt động dự trữ quốc gia.
(viii) Tiền.
(ix) Tem bưu chính Việt Nam.
(x) Pháo hoa và các dịch vụ liên quan đến pháo hoa.
(xi) Hệ thống điện quốc gia. Và thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội.
(xii) Dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải.
(xiii Dịch vụ công ích thông tin duyên hải.
(xiv) Bảo đảm hoạt động bay.
(xv) Hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư.
(xvi) Hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện; kè biển.
(xvii) Dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng.
(xviii) Xuất bản phẩm.
(xix) Mạng bưu chính công cộng.
(xx) Dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.
Lưu ý: Không phải tất cả các hoạt động thương mại liên quan đến các loại hàng hóa trên đều thuộc độc quyền Nhà nước.
Ví dụ: Đối với vàng miếng, hoạt động độc quyền nhà nước là sản xuất. Đối với vật liệu nổ công nghiệp, hoạt động độc quyền nhà nước là sản xuất, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển quá cảnh.
>> Xem chi tiết hoạt động thương mại độc quyền nhà nước đối với các loại hàng hóa trên tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại ban hành kèm Nghị định 94/2017/NĐ-CP.
Danh mục hàng hóa, dịch vụ địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại |
20 loại hàng hóa độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005, quy định về hoạt động thương mại như sau:
Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Như vậy, hoạt động thương mại bao gồm các hoạt động sau:
(i) Mua bán hàng hoá.
Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.
(ii) Cung ứng dịch vụ.
Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.
(iii) Đầu tư.
Hoạt động đầu tư được hướng dẫn chi tiết tại Luật Đầu tư 2020.
(iv) Xúc tiến thương mại.
Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm:
- Hoạt động khuyến mại.
- Quảng cáo thương mại.
- Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ.
- Hội chợ, triển lãm thương mại.
(v) Các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác như:
- Gia công trong thương mại.
- Đấu giá hàng hóa.
- Đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
- Dịch vụ logistics.
- Quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ việt nam và dịch vụ quá cảnh hàng hóa.
- Dịch vụ giám định.
- Cho thuê hàng hóa.
- Nhượng quyền thương mại.
(Khoản 8, khoản 9, khoản 10 Điều 3 Luật Thương mại 2005)
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005, có 02 loại hàng hóa trong hoạt động thương mại là tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai và những vật gắn liền với đất đai.