Ngoài thời gian nghỉ trong giờ làm việc, công ty có bắt buộc phải bố trí thêm thời gian nghỉ giải lao? - Đây là thắc mắc của anh Vũ (Ninh Phước, Ninh Thuận)
>> Thời gian nghỉ giữa hai ca, có được tính nghỉ giữa giờ?
>> Hằng tháng công ty sẽ phải trả lương vào ngày mấy?
Cụ thể, anh Tuấn thắc mắc: “Tôi mới mở một nhà máy chế biến hạt điều. Trước đây tôi nghe nói ngoài thời gian nghỉ trong giờ làm việc thì công ty còn phải bố trí thêm thời gian nghỉ giải lao cho người lao động. Vậy quy định này bây giờ có còn áp dụng hay không?”
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Trước đây, Điều 108 Bộ luật Lao động 2012 có quy định người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc. Trường hợp làm việc ban đêm thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc.
Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ nêu trên, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2013/NĐ-CP cũng quy định ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường, người lao động làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên kể cả số giờ làm thêm thì được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc.
Như vậy, theo các quy định trước đây thì người sử dụng lao động phải bố trí thêm ít nhất 30 phút nghỉ ngơi (thường được gọi là nghỉ giải lao) ngoài thời gian nghỉ giữa giờ bình thường cho người lao động.
Tuy nhiên, các văn bản nói trên hiện tại đã hết hiệu lực thi hành. Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã không còn quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải bố trí thêm thời gian nghỉ ngơi (nghỉ giải lao) cho người lao động.
Đồng thời, khoản 4 Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định ngoài trường hợp làm việc theo ca liên tục để được tính nghỉ giữa giờ vào giờ làm việc, khuyến khích các bên thương lượng thời gian nghỉ giữa giờ tính vào giờ làm việc.
Vậy, theo các quy định của pháp luật hiện hành thì ngoài thời gian nghỉ giữa giờ bình thường, không bắt buộc mà chỉ khuyến khích người sử dụng lao động thỏa thuận bố trí thêm thời gian nghỉ ngơi (nghỉ giải lao) cho người lao động.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP về vấn đề trên.
Trân trọng!
Nghỉ ăn tối khi tăng ca ban đêm, có tính vào thời gian làm việc?