Trường hợp lao động nữ đi khám thai trong năm 2023 sẽ được nghỉ bao nhiêu ngày và hưởng những chế độ nào? – Kim Thoa (Bình Phước).
>> Từ 01/7/2023, mức hưởng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh có gì mới?
>> Mức phạt hành chính 2023 với vi phạm về lập hồ sơ để hưởng BHXH, BHTN?
Trong năm 2023, lao động nữ mang thai sẽ được hưởng chế độ về khám thai theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Cụ thể như sau:
Căn cứ Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nêu trên tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
File Excel tính mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con năm 2023 |
Mức hưởng chế độ khám thai 2023 với lao động nữ (Ảnh minh họa)
Căn cứ khoản 1 Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức hưởng một ngày đối với trường hợp đi khám thai được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày. Ví dụ: Mức hưởng chế độ theo tháng là 7.200.000 đồng thì 01 ngày đi khám thai sẽ được hưởng tiền bảo hiểm xã hội là 7.200.000 : 24 = 300.000 đồng.
Điều 39. Mức hưởng chế độ thai sản - Luật Bảo hiểm xã hội 2014 1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau: a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội; b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày; c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày. 2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội. 3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 của Luật này. |