Tôi mang thai trong thời hạn cam kết không mang thai thì có bị sa thải không? – Nguyệt Ánh (Hải Dương).
>> Năm 2023, trong thời gian nuôi con nhỏ thì lao động nữ được nghỉ bao lâu?
>> Năm 2023, lao động nữ đang nuôi con nhỏ có phải làm thêm giờ?
Tôi đã làm được 8 tháng tại một công ty. Khi mới vào làm, tôi có ký cam kết không mang thai trong 2 năm đầu làm việc. Theo cam kết thì nếu tôi vi phạm, công ty có quyền sa thải tôi.
Vừa qua, tôi phát hiện mình mang thai, nhưng nếu công ty sa thải theo cam kết thì cuộc sống của tôi sẽ rất khó khăn. Cho tôi hỏi: theo quy định hiện hành thì có cách nào để tôi không bị sa thải không?
Khi ký hợp đồng lao động, nhiều doanh nghiệp đồng thời yêu cầu người lao động nữ ký cam kết không mang thai trong một thời hạn nhất định (chẳng hạn người lao động nữ không mang thai trong thời hạn 2 năm kể từ ngày ký hợp đồng lao động). Nếu người lao động vi phạm cam kết, thì doanh nghiệp sẽ sa thải.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng: do người lao động tự nguyện ký cam kết không mang thai, khi ký cam kết này không bị ép buộc hay lừa dối, nên cam kết có hiệu lực bắt buộc. Nếu người lao động mang thai trong thời hạn cam kết không mang thai, thì doanh nghiệp có quyền sa thải người lao động, theo cam kết mà người lao động đã ký.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Điều 137. Bảo vệ thai sản
3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Theo quy định trên, doanh nghiệp không được sa thải người lao động vì lý do mang thai, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Như vậy, cam kết không mang thai, với nội dung sa thải người lao động mang thai trong thời hạn thỏa thuận, là cam kết trái với quy định pháp luật hiện hành.
Như đã đề cập tại mục 1, cam kết có nội dung sa thải người lao động, nếu người lao động mang thai trong thời hạn thỏa thuận là cam kết trái luật.
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có nghĩa vụ thực hiện thỏa thuận hợp pháp với doanh nghiệp, hay có thể hiểu là những thỏa thuận không hợp pháp thì người lao động không có nghĩa vụ thực hiện.
Căn cứ Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 thì việc người lao động mang thai không phải trường hợp doanh nghiệp được xử lý kỷ luật sa thải người lao động.
Từ những căn cứ nêu trên, có thể xác định cam kết có nội dung sa thải người lao động nếu người lao động mang thai trong thời hạn thỏa thuận không có giá trị áp dụng với các bên. Nếu người lao động có thai trong thời hạn cam kết không mang thai, thì doanh nghiệp không có quyền căn cứ vào cam kết để sa thải người lao động.
Toàn văn File word Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực |
Cam kết không mang thai trong những năm đầu làm việc, có hiệu lực không? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo quy định khoản 3 Điều 137, Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp không được sa thải người lao động vì lý do mang thai, kể cả trường hợp các bên đã ký cam kết thỏa thuận người lao động sẽ bị sa thải nếu mang thai trong một thời hạn nhất định.
Nếu doanh nghiệp sa thải người lao động vì lý do mang thai, thì được xác định là doanh nghiệp đã xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải trái luật. Từ đó, doanh nghiệp sẽ phải chịu những trách nhiệm pháp lý luật định.
- Căn cứ quy định tại Điều 73 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải trái quy định của pháp luật sẽ có các trách nhiệm sau đây:
+ Nếu người lao động khiếu nại/khởi kiện, doanh nghiệp phải thực hiện các trách nhiệm theo quy định về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực lao động hoặc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
+ Thực hiện các nghĩa vụ theo Điều 41 Bộ luật Lao động 2019. Trong đó có việc doanh nghiệp phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
>> Xem thêm các bài viết và công việc pháp lý liên quan tại:
>> Năm 2023, có được sa thải người lao động vì họ mang thai, kết hôn?
>> Các trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải năm 2023?
>> Nghĩa vụ của doanh nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật