Năm 2023, nhà đầu tư Việt Nam muốn đầu tư ra nước ngoài dựa trên những hình thức nào? Khi đầu tư ra nước ngoài, cần tuân thủ các nguyên tắc gì? – Hà My (Quảng Ngãi).
>> Quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư năm 2023?
Khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư 2020 bao gồm:
- Nhà nước khuyến khích đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản trị và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư 2020, quy định khác của pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư (sau đây gọi là nước tiếp nhận đầu tư) và điều ước quốc tế có liên quan; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Các nguyên tắc và hình thức đầu tư ra nước ngoài năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo Điều 52 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức sau đây:
- Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;
- Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;
- Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
- Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Lưu ý: Tài liệu xác định hình thức đầu tư ra nước ngoài được hướng dẫn bởi Điều 74 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:
- Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nộp thỏa thuận, hợp đồng với đối tác nước ngoài về việc đầu tư hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương kèm theo tài liệu về tư cách pháp lý của đối tác nước ngoài.
- Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó, nhà đầu tư nộp thỏa thuận, hợp đồng hoặc tài liệu khác xác định việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp kèm theo tài liệu về tư cách pháp lý của tổ chức kinh tế ở nước ngoài mà nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
- Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nộp tài liệu xác định hình thức đầu tư đó theo quy định của pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư.
Khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần lưu ý về các ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cụ thể:
Theo quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư 2020, các ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài bao gồm:
- Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020 và các điều ước quốc tế có liên quan.
- Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.
- Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Theo quy định tại Điều 54 Luật Đầu tư 2020, các ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện bao gồm:
- Ngân hàng.
- Bảo hiểm.
- Chứng khoán.
- Báo chí, phát thanh, truyền hình.
- Kinh doanh bất động sản.
Lưu ý: Điều kiện đầu tư ra nước ngoài trong ngành, nghề đối với các ngành nghề nêu trên được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
>> Xem thêm bài viết:
>> Thẩm quyền và thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài năm 2023?
>> Điều kiện và thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài năm 2023?