Cho tôi hỏi doanh nghiệp có thể phạt tiền, trừ lương người lao động thay cho việc xử lý kỷ luật lao động không? – Hạ Vy (Hà Nội).
>> Các hình thức xử lý kỷ luật lao động, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động năm 2023?
>> Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động năm 2023 được quy định thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 127 Bộ luật Lao động 2019, hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động là hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động.
Trường hợp doanh nghiệp có hành vi nêu trên, có thể phải chịu các trách nhiệm pháp lý sau đây:
(i) Bị xử phạt vi phạm hành chính
- Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng (theo điểm a khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
- Phải xin lỗi công khai đối với người lao động và trả toàn bộ chi phí điều trị, tiền lương cho người lao động trong thời gian điều trị nếu việc xâm phạm gây tổn thương về thân thể người lao động đến mức phải điều trị tại cơ sở y tế.
(ii) Trách nhiệm dân sự
Theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, người nào có hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Thiệt hại do sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín được xác định tại các Điều 590, Điều 591, Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động năm 2023? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Khoản 2 Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 quy định hành vi phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động là hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động.
Như vậy, khi người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động, doanh nghiệp không được phạt tiền hoặc cắt lương của người lao động để thay cho việc xử lý kỷ luật lao động.
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp sử dụng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng và bị buộc phải trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động.
Như vậy, những doanh nghiệp phạt tiền người lao động đi trễ, làm việc riêng trong giờ thay cho việc xử lý kỷ luật lao động (các hành vi đi trễ, làm việc riêng là hành vi vi phạm kỷ luật) là trái luật.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 127 Bộ luật Lao động 2019, việc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không quy định là hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động.
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 19, khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp thực hiện hành vi bị nghiêm cấm nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
Như vậy, khi xử lý kỷ luật lao động, doanh nghiệp phải đảm bảo hành vi vi phạm kỷ luật lao động được quy định tại một trong ba nguồn sau đây:
- Nội quy lao động của doanh nghiệp (theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, hành vi vi phạm kỷ luật lao động, hình thức xử lý kỷ luật lao động tương ứng với hành vi vi phạm là nội dung chủ yếu trong nội quy lao động).
- Thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết.
- Pháp luật về lao động quy định.
Ví dụ: Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định các trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động sa thải
>> Xem thêm các bài viết và công việc pháp lý liên quan tại:
>> Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động năm 2023 được quy định thế nào?
>> Các hình thức xử lý kỷ luật lao động, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động năm 2023?