Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là gì? Doanh nghiệp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi không đúng thủ tục bị xử phạt ra sao? Nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm những gì?
>> Podcast là gì? Những lợi ích mà podcast mang lại cho người sử dụng?
>> Nhà đầu tư không báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu sơ bộ về sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là dự án PPP), làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Luật Đầu tư và văn bản hướng dẫn còn hiệu lực năm 2024 |
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 26 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, vi phạm về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được quy định như sau:
Vi phạm về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không tuân thủ trình tự, thủ tục lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định phê duyệt dự án PPP;
b) Không tuân thủ trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, dự án PPP;
c) Điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi không thuộc một trong các trường hợp được điều chỉnh theo quy định.
Như vậy, doanh nghiệp không tuân thủ thủ tục lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng.
Căn cứ khoản 1 Điều 14 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 7 Điều 3 Luật số 57/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 15/01/2025), điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP bao gồm:
(i) Sự cần thiết đầu tư.
(ii) Phù hợp với ngành, lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.
(iii) Không trùng lặp với dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt dự án.
(iv) Có lợi thế so với các hình thức đầu tư khác căn cứ các yếu tố so sánh về chi phí chuẩn bị đầu tư; khả năng thu hút nguồn vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý từ nhà đầu tư; khả năng thực hiện dự án và nghĩa vụ hợp đồng của cơ quan có thẩm quyền.
(v) Có khả năng bố trí vốn nhà nước trong trường hợp dự án có nhu cầu sử dụng vốn nhà nước hoặc có khả năng bố trí nguồn ngân sách nhà nước, quỹ đất thanh toán trong trường hợp dự án áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, loại hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước.
Căn cứ khoản 2 Điều 14 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, căn cứ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm:
(i) Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
(ii) Quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, quy định khác của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đầu tư của dự án.
(iii) Các văn bản pháp lý khác có liên quan.
Căn cứ khoản 3 Điều 14 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 7 Điều 3 Luật số 57/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 15/01/2025), báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
(i) Sự cần thiết đầu tư; lợi thế đầu tư theo phương thức PPP so với các hình thức đầu tư khác; tác động của việc thực hiện dự án theo phương thức PPP đối với cộng đồng, dân cư trong phạm vi dự án.
(ii) Mục tiêu; dự kiến quy mô, địa điểm, thời gian thực hiện dự án, nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên khác.
(iii) Phương án thiết kế sơ bộ theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với dự án có cấu phần xây dựng, pháp luật khác có liên quan đối với dự án không có cấu phần xây dựng; thuyết minh sơ bộ về phương án kỹ thuật, công nghệ; sơ bộ phân chia dự án thành phần (nếu có).
(iv) Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như quy định đối với dự án đầu tư công.
(v) Sơ bộ tổng mức đầu tư; đánh giá sơ bộ phương án tài chính của dự án; dự kiến sử dụng vốn nhà nước trong dự án (nếu có); dự kiến phương thức thanh toán cho nhà đầu tư đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BTL, hợp đồng BLT, hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước, hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, trong đó xác định cụ thể vị trí, diện tích, giá trị dự kiến của quỹ đất dự kiến thanh toán.
(vi) Dự kiến loại hợp đồng dự án PPP; các hình thức ưu đãi, bảo đảm đầu tư; cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu (nếu có).