B2G là gì? Đặc điểm của B2G là gì? Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích là gì? Căn cứ đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích gồm?
>> CAGR là gì? Công thức tính CAGR là gì?
>> Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa là gì?
B2G (viết tắt của Business to Government) là một mô hình kinh doanh trong đó doanh nghiệp (Business) cung cấp sản phẩm, dịch vụ hoặc giải pháp cho các cơ quan, tổ chức chính phủ (Government). Đây là một hình thức giao dịch trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là nhà cung cấp hoặc đối tác để hỗ trợ các hoạt động của chính phủ.
Đặc điểm của B2G như sau:
(i) Đối tượng khách hàng: Chính phủ, các cơ quan hành chính công, tổ chức công quyền.
(ii) Hình thức giao dịch: Thông qua hợp đồng, đấu thầu công khai hoặc trực tiếp cung cấp sản phẩm/dịch vụ.
(iii) Các sản phẩm/dịch vụ thường liên quan đến công nghệ, hạ tầng, giáo dục, y tế, dịch vụ công cộng.
(iv) Quy trình: Thường phức tạp và yêu cầu tuân thủ các quy định pháp lý, tiêu chuẩn chất lượng, minh bạch và báo cáo tài chính.
Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo
Toàn văn File word Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn năm 2024 |
B2G là gì; Đặc điểm của B2G là gì (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật Doanh nghiệp 2020, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích bao gồm những nội dung sau đây:
(i) Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quy định tại Điều 7, Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 và quy định khác có liên quan.
(ii) Được hạch toán và bù đắp chi phí theo giá do pháp luật về đấu thầu quy định hoặc thu phí sử dụng dịch vụ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(iii) Được bảo đảm thời hạn cung ứng sản phẩm, dịch vụ thích hợp để thu hồi vốn đầu tư và có lãi hợp lý.
(iv) Cung ứng sản phẩm, dịch vụ đủ số lượng, đúng chất lượng và thời hạn đã cam kết theo giá hoặc phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
(v) Bảo đảm các điều kiện công bằng và thuận lợi cho khách hàng.
(vi) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về số lượng, chất lượng, điều kiện cung ứng và giá, phí sản phẩm, dịch vụ cung ứng.
Điều 18 Nghị định 32/2019/NĐ-CP, căn cứ đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích như sau:
(i) Dự toán được cấp có thẩm quyền giao đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
(ii) Các chỉ tiêu về sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích; dự toán về chi phí hợp lý sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
(iii) Đơn giá, giá đặt hàng; mức trợ giá, được xác định trên cơ sở áp dụng các định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí hiện hành của Nhà nước và do cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về giá và quy định của các pháp luật khác có liên quan. Trường hợp sản phẩm, dịch vụ công ích có thu phí thì theo mức thu phí do Nhà nước quy định.
(iv) Giá tiêu thụ; đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định của Nhà nước hoặc số tiền do người được hưởng sản phẩm, dịch vụ công ích thanh toán theo quy định của Nhà nước.
(v) Trên cơ sở dự toán được giao, đơn giá, giá đặt hàng, chi phí hợp lý, giá tiêu thụ, giá sản phẩm, dịch vụ công ích, mức trợ giá, căn cứ đặt hàng khác theo quy định của pháp luật khác có liên quan (nếu có); cơ quan đặt hàng xác định số lượng, khối lượng sản phẩm, dịch vụ công ích được trợ giá để ký hợp đồng đặt hàng. Trường hợp giá tiêu thụ; đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định của Nhà nước hoặc số tiền do người được hưởng sản phẩm, dịch vụ công ích thanh toán theo quy định của Nhà nước tại khoản (iv) Mục này thấp hơn chi phí hợp lý của nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thì nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được trợ giá theo số lượng hoặc khối lượng sản phẩm, dịch vụ công ích được đặt hàng.