Theo quy định của Bộ luật lao động, thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản. Pháp luật không bắt buộc trong mỗi một doanh nghiệp phải có thỏa ước lao động tập thể, tuy nhiên một khi đã thực hiện thỏa ước lao động thì phải đúng với nguyên tắc là không được trái pháp luật và khuyến khích có lợi hơn cho người lao động. Vậy khi nào thỏa ước sẽ bị vô hiệu trong những trường hợp vi phạm nào?
>> Hướng dẫn miễn tiền chậm nộp với doanh nghiệp theo Nghị định 92/2021
>> Phân biệt vốn đầu tư và vốn điều lệ
ẢNH MINH HỌA
1. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần
Theo khoản 1 Điều 86 Bộ luật lao động 2019 quy định:
Điều 86. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu
1. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần khi một hoặc một số nội dung trong thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật.
Bởi lẽ, thỏa ước lao động bị vô hiệu từng phần là khi các phần bị vô hiệu vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của thỏa ước lao động tập thể. Các phần vi phạm pháp luật có thể do sai sót, thiếu hiểu biết về pháp luật, hay sự cố của các bên tham gia thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể hoặc cũng có thể do pháp luật về lao động có sự thay đổi dẫn đến một hoặc một số phần của thỏa ước lao động tập thể không còn phù hợp với pháp luật nhưng các bên không tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc không thể tiến hành sửa đổi, bổ sung. Dù trong trường hợp nào đi nữa, các phần vi phạm pháp luật đều bị coi là vô hiệu và không ảnh hưởng đến các phần còn lại.
2. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu toàn phần
Khoản 2 Điều 86 Bộ luật này quy định:
Điều 86. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu
2. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Toàn bộ nội dung thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật;
b) Người ký kết không đúng thẩm quyền;
c) Không tuân thủ đúng quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Như vậy, có 03 trường hợp vô hiệu toàn phần:
- Đầu tiên, toàn bộ nội dung thỏa ước lao động tập thể vi phạm pháp luật:
Tất cả các nội dung của thỏa ước lao động tập thể bao gồm nội dung thỏa thuận về các vấn đề thương lượng tập thể đều vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế thì trường hợp này hiếm khi xảy ra, bởi lẽ các bên đều đã phải đàm phán, thảo luận trong thời gian dài, cũng như lấy ý kiến của người lao động (hoặc thành viên ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở) nên không dễ dàng để tất cả các nội dung đều trái pháp luật.
- Thứ hai, người ký kết không đúng thẩm quyền:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 76 Bộ luật lao động 2019 quy định “Thỏa ước lao động tập thể được ký kết bởi đại diện hợp pháp của các bên thương lượng”.
Trường hợp thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp được tiến hành thông qua Hội đồng thương lượng tập thể thì được ký kết bởi Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể và đại diện hợp pháp của các bên thương lượng. Do đó, trường hợp người ký kết thỏa ước lao động không phải là đại diện hợp pháp của các bên thương lượng hay trường hợp tiến hành thương lượng thông qua Hội đồng thương lượng mà không ký kết bởi Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể và đại diện các bên thì thỏa ước lao động tập thể bị vô hiệu toàn phần.
- Cuối cùng, không tuân thủ đúng quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể
Các Điều 70, 71, 72, 73, 76 Bộ luật lao động 2019 đã quy định quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Các vi phạm quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể có thể là các vi phạm về cách thức thực hiện, vi phạm về thứ tự thực hiện hoặc khi thực hiện lấy ý kiến của người lao động (hoặc thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở).
CCPL: Bộ luật lao động 2019