Những nội dung nào mà cơ quan thuế sẽ kiểm tra tại trụ sở của doanh nghiệp? – Hồng Loan (TP. Hồ Chí Minh).
>> 06 trường hợp Cơ quan Thuế kiểm tra đột xuất tại trụ sở doanh nghiệp
>> Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo mặt hàng chịu thuế Nhóm 98 từ ngày 15/7/2023 (Phần 4)
Căn cứ theo quy định tại khoản 2.1 Mục III Phần II Quy trình kiểm tra thuế ban hành kèm theo Quyết định 970/QĐ-TCT ngày 14/7/2023 của Tổng Cục Thuế, việc kiểm tra thuế tại trụ sở của doanh nghiệp được quy định như sau:
Tất cả các trường hợp kiểm tra thuế tại trụ sở của doanh nghiệp đều phải có Quyết định kiểm tra và trong quyết định này phải nêu rõ nội dung kiểm tra, thời kỳ kiểm tra (theo Mục 2 bên dưới).
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Nội dung, phạm vi kiểm tra thuế tại trụ sở của doanh nghiệp (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
(i) Đối với trường hợp kiểm tra thuế theo kế hoạch, chuyên đề:
- Nội dung kiểm tra: được xác định thông qua phân tích nội dung các tiêu chí rủi ro khi lập kế hoạch, chuyên đề kiểm tra thuế.
- Thời kỳ kiểm tra: là thời kỳ có các nội dung rủi ro cần kiểm tra tương ứng và các thời kỳ có liên quan.
(ii) Đối với trường hợp kiểm tra theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 71 Thông tư 80/2021/TT-BTC (kiểm tra từ hồ sơ thuế):
- Nội dung kiểm tra: Kiểm tra các nội dung còn cần phải giải trình bổ sung, thông tin tài liệu.
- Thời kỳ kiểm tra: là thời kỳ liên quan đến các nội dung cần kiểm tra nêu trên.
(iii) Đối với các trường hợp kiểm tra hoàn thuế:
- Nội dung kiểm tra: Kiểm tra theo nội dung đề nghị hoàn thuế (kiểm tra trước hoàn thuế) hoặc Quyết định hoàn thuế (kiểm tra sau hoàn thuế).
- Thời kỳ kiểm tra: Kỳ hoàn thuế theo nội dung kiểm tra.
(iv) Đối với các trường hợp kiểm tra người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật:
- Nội dung kiểm tra: phân tích các nội dung có dấu hiệu vi phạm để xác định nội dung kiểm tra.
- Thời kỳ kiểm tra: Là thời kỳ liên quan đến các nội dung có dấu hiệu vi phạm.
(v) Đối với các trường hợp kiểm tra theo kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền, kiểm tra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, kiểm tra đột xuất khác:
- Nội dung kiểm tra: đối với những kiến nghị, chỉ đạo và các trường hợp kiểm tra đột xuất đã xác định được nội dung cần kiểm tra thì thực hiện kiểm tra theo nội dung đã được xác định. Trường hợp kiến nghị chỉ đạo và các trường hợp kiểm tra đột xuất chưa xác định được nội dung kiểm tra thì công chức thuế được giao nhiệm vụ kiểm tra thuế phải thực hiện phân tích rủi ro để xác định nội dung cần kiểm tra.
- Thời kỳ kiểm tra: là thời kỳ liên quan đến các nội dung cần kiểm tra.
(vi) Đối với kiểm tra các trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động, cổ phần hóa, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý:
- Nội dung kiểm tra: công chức thuế được giao nhiệm vụ kiểm tra thuế thực hiện phân tích để xác định nội dung cần kiểm tra.
- Thời kỳ kiểm tra: là thời kỳ chưa thanh tra, kiểm tra liên quan đến các nội dung cần kiểm tra.
Ngoài các nội dung rủi ro theo từng trường hợp nêu trên, khi trình ban hành Quyết định kiểm tra, công chức thuế được giao nhiệm vụ kiểm tra thuế có thể thực hiện thu thập dữ liệu trên hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế, phân tích rủi ro từ phân tích nghiệp vụ, thông tin từ thực tế công tác quản lý thuế, thu thập thông tin từ bên thứ 3 để xác định thêm nội dung, phạm vi kiểm tra thuế (nếu có).
Trường hợp kết quả kiểm tra dẫn đến phải xử lý truy thu về thuế; xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì Thủ trưởng cơ quan thuế phải ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong thời hạn:
- Không quá 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày ký biên bản kiểm tra đối với trường hợp người nộp thuế không có yêu cầu giải trình hoặc ghi rõ ý kiến trong biên bản kiểm tra về việc không thực hiện quyền giải trình.
- Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ký biên bản kiểm tra đối với trường hợp người nộp thuế có yêu cầu giải trình trong thời hạn theo quy định hoặc phải xác minh các tình tiết vi phạm hành chính
- Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ký biên bản kiểm tra trong trường hợp kết quả kiểm tra có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ.
Sau đó, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho doanh nghiệp vi phạm trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định.
Xem chi tiết Quy trình kiểm tra thuế tại trụ sở của doanh nghiệp tại Mục III Phần II Quy trình kiểm tra thuế ban hành kèm theo Quyết định 970/QĐ-TCT ngày 14/7/2023.