Khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp trong năm 2024 thì người nộp đơn sẽ phải đóng lệ phí phá sản bao nhiêu? Và đóng cho cơ quan nào? – Huyền Mai (Thừa Thiên Huế).
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 06/02/2024
>> Quy định về đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghệ cao từ 25/3/2024
Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (hay còn được gọi là lệ phí phá sản) là khoản tiền mà người yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp để Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Cụ thể, lệ phí phá sản doanh nghiệp năm 2024 được quy định như sau:
Theo quy định tại Điều 22 Luật Phá sản 2014, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp lệ phí phá sản theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án nhân dân.
Cụ thể, theo Điều 40 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì: Những người phải nộp tiền lệ phí phá sản khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bao gồm Chủ nợ không có bảo đảm; chủ nợ có bảo đảm một phần; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; chủ doanh nghiệp tư nhân; Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần; Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên; chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên; thành viên hợp danh của công ty hợp danh; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% cổ phần phổ thông trở lên.
Đồng thời cần lưu ý, đối với người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong các trường hợp sau đây sẽ không phải nộp lệ phí phá sản:
- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà công ty/doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản (được Tòa án giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn).
File Word các Luật nổi bật và văn bản hướng dẫn thi hành (còn hiệu lực) |
Mức lệ phí phá sản công ty/doanh nghiệp năm 2024 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 3 Mục II, Phần B Danh mục lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, mức lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản năm 2024 là 1.500.000 đồng.
Thủ tục nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản được quy định cụ thể tại Điều 38 Luật Phá sản 2014 như sau:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Tòa án nhân dân dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản và thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.
Trường hợp có đề nghị thương lượng thì việc thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Phá sản 2014.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải thực hiện việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản như sau:
+ Nộp lệ phí phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự.
+ Nộp tạm ứng chi phí phá sản vào tài khoản do Tòa án nhân dân mở tại ngân hàng.