Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp luôn cần đến những giải pháp công nghệ để tăng năng suất và hiệu quả. Do đó, chúng ta cần nên có những hiểu biết nhất định về chuyển giao công nghệ và các thủ tục khi thực hiện chuyển giao công nghệ.
>> Đăng ký chuyển giao công nghệ
>> Quy định về Hỗ trợ Doanh nghiệp trong Chuyển giao công nghệ
Nguồn: Internet
1. Chuyển giao công nghệ là gì?
Theo khoản 7 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định:
“Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.”
2. Công nghệ được chuyển giao
Căn cứ Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 công nghệ được chuyển giao là một hoặc các đối tượng sau đây:
- Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;
- Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;
- Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;
- Máy móc, thiết bị đi kèm theo các công nghệ trên.
Trường hợp công nghệ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ
Theo Điều 30 Luật Chuyển giao công nghệ, hồ sơ , trình tự, thủ tục cấp Giấy phép chuyển gip công nghệ được quy định như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
* Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ
- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ cam kết trách nhiệm của các bên bảo đảm nội dung hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan (Mẫu số 03 Thông tư 02/2018/TT-BKHCN);
- Văn bản về tư cách pháp lý của các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ;
- Bản gốc bằng tiếng Việt hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển giao công nghệ; trường hợp không có hợp đồng bằng tiếng Việt thì phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực;
- Danh mục tài liệu công nghệ, máy móc, thiết bị (nếu có) kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ;
- Bản sao có chứng thực văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ (nếu có);
- Tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ do ứng dụng công nghệ chuyển giao;
- Giải trình về điều kiện sử dụng công nghệ;
- Văn bản thẩm định giá công nghệ được chuyển giao trong trường hợp bên nhận chuyển giao công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
Bước 2: Sau khi nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ tiến hành ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Bước 3: Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, bên có nghĩa vụ thực hiện việc đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ đến Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bước 4: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xem xét hồ sơ; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì có văn bản đề nghị tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo quy định.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung, các bên sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu hoặc có văn bản đề nghị gia hạn thời gian việc sửa đổi, bổ sung. Thời gian gia hạn không quá 60 ngày, hết thời hạn này, nếu các bên không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu thì Bộ Khoa học và Công nghệ ra thông báo từ chối cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ và trả lại hồ sơ nếu có yêu cầu.
Bước 5: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ; trường hợp từ chối cấp Giấy phép thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Trường hợp cần thay đổi nội dung ghi trong Giấy phép chuyển giao công nghệ thì phải đề nghị cấp Giấy phép mới.
Căn cứ pháp lý:
Luật Chuyển giao công nghệ 2017
Thông tư 02/2018/TT-BKHCN