Cá nhân khi có thu nhập phát sinh từ việc cho thuê tài sản phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật về thuế. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cá nhân cho thuê tài sản kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân, cụ thể là về phương pháp tính thuế, khai thuế và cách tính số tiền thuế phải nộp trong trường hợp trực tiếp khai, nộp với cơ quan thuế hoặc ủy quyền cho người khác khai, nộp thay.
>> Khi nào cần lập hóa đơn? Nếu không lập hóa đơn thì bị xử lý thế nào?
>> Tổng hợp các văn bản luật, nghị định, thông tư mới nhất về hóa đơn điện tử
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 9 Thông tư 40/2021/TT-BTC, cá nhân cho thuê tài sản là cá nhân có phát sinh doanh thu từ cho thuê tài sản bao gồm:
- Cho thuê nhà, mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi (không bao gồm dịch vụ lưu trú);
- Cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người điều khiển;
- Cho thuê tài sản khác không kèm theo dịch vụ.
Lưu ý: Dịch vụ lưu trú không tính vào hoạt động cho thuê tài sản gồm: cung cấp cơ sở lưu trú ngắn hạn cho khách du lịch, khách vãng lai khác; cung cấp cơ sở lưu trú dài hạn không phải là căn hộ cho sinh viên, công nhân và những đối tượng tương tự; cung cấp cơ sở lưu trú cùng dịch vụ ăn uống hoặc các phương tiện giải trí.
Trường hợp 1: Cá nhân cho thuê tài sản trực tiếp khai thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) với cơ quan thuế
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 40/2021/TT-BTC, cá nhân cho thuê tài sản trực tiếp khai, nộp thuế TNCN cho cơ quan thuế như sau:
- Khai thuế theo từng lần phát sinh kỳ thanh toán (từng lần phát sinh kỳ thanh toán được xác định theo thời điểm bắt đầu thời hạn cho thuê của từng kỳ thanh toán) hoặc khai thuế theo năm dương lịch.
- Cá nhân khai thuế theo từng hợp đồng thuê tài sản hoặc khai thuế cho nhiều hợp đồng thuê tài sản trên một tờ khai nếu tài sản cho thuê tại địa bàn có cùng cơ quan thuế quản lý.
- Cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm, nếu phát sinh doanh thu cho thuê từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì thuộc diện không phải nộp thuế TNCN. Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì mức doanh thu để xác định cá nhân phải nộp thuế hay không phải nộp thuế là doanh thu trả tiền một lần được phân bổ theo năm dương lịch.
- Trường hợp bên thuê tài sản trả tiền trước cho nhiều năm thì cá nhân cho thuê tài sản khai thuế, nộp thuế một lần đối với toàn bộ doanh thu trả trước. Theo đó, số thuế phải nộp một lần là tổng số thuế phải nộp của từng năm dương lịch.
- Trường hợp có sự thay đổi về nội dung hợp đồng thuê tài sản dẫn đến thay đổi doanh thu tính thuế, kỳ thanh toán, thời hạn thuê thì cá nhân thực hiện khai điều chỉnh, bổ sung theo quy định của Luật Quản lý thuế cho kỳ tính thuế có sự thay đổi.
Trường hợp 2: Tổ chức thuê tài sản khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân cho thuê tài sản
Nếu hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận bên đi thuê là người nộp thuế thì tổ chức thuê tài sản sẽ phải khai, nộp thuế TNCN thay cho cá nhân cho thuê tài sản (Lưu ý: trường hợp này không áp dụng cho bên đi thuê là cá nhân).
Lúc này, việc khai và nộp thuế TNCN được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC như sau:
- Tổ chức thuê tài sản thực hiện khai thuế, nộp thuế theo tháng hoặc quý hoặc từng lần phát sinh kỳ thanh toán hoặc năm dương lịch theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
- Trường hợp tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân cho thuê tài sản thì áp dụng việc xác định mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định đối tượng không phải nộp thuế theo hướng dẫn như trong trường hợp cá nhân trực tiếp khai thuế TNCN với cơ quan thuế.
Trường hợp 3: Cá nhân cho thuê tài sản ủy quyền cho cá nhân khác khai thuế thay, nộp thuế thay
Cá nhân cho thuê tài sản có văn bản ủy quyền cho cá nhân khác khai thuế, nộp thuế thay. Cá nhân khai, nộp thuế thay sẽ tiến hành khai và nộp thuế tại cơ quan thuế theo phạm vi ủy quyền và theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2019, Thông tư 40/2021/TT-BTC.
Căn cứ khoản 3 Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC, số thuế TNCN phải nộp khi cho thuê tài sản được xác định theo công thức sau:
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó:
- Doanh thu tính thuế GTGT đối với cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Tỷ lệ thuế TNCN là 5% (căn cứ Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC).
>> Xem thêm tại: Thủ tục, hồ sơ nộp thuế thay khi doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân
Trên đây là quy định về Hướng dẫn cá nhân cho thuê tài sản kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý: