PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục trình bày quy định về Chuẩn mực kiểm toán số 570: Hoạt động liên tục qua bài viết sau đây:
>> Chuẩn mực kiểm toán số 570: Hoạt động liên tục (Phần 4)
>> Chuẩn mực kiểm toán số 570: Hoạt động liên tục (Phần 3)
Căn cứ theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam Chuẩn mực kiểm toán số 570: Hoạt động liên tục (gọi tắt là Chuẩn mực kiểm toán số 570) ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC, Chuẩn mực kiểm toán số 570 được quy định như sau:
Nếu Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán không thực hiện hoặc không mở rộng đánh giá về khả năng hoạt động liên tục theo yêu cầu của kiểm toán viên thì kiểm toán viên phải cân nhắc ảnh hưởng của vấn đề này đối với báo cáo kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A27 Chuẩn mực kiểm toán số 570).
Chuẩn mực kiểm toán số 570 theo Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam |
Chuẩn mực kiểm toán số 570: Hoạt động liên tục (Phần 5) (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
2.9. Trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán
Trừ khi toàn bộ thành viên Ban quản trị đều là thành viên Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán (theo đoạn 13 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 260: Trao đổi các vấn đề với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC), kiểm toán viên phải trao đổi với Ban quản trị đơn vị về các sự kiện hoặc điều kiện đã xác định là có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán. Việc trao đổi với Ban quản trị phải bao gồm các nội dung sau:
- Liệu các sự kiện hoặc điều kiện đó có tạo thành yếu tố không chắc chắn trọng yếu hay không.
- Liệu việc sử dụng giả định hoạt động liên tục có phù hợp trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính hay không.
- Các thuyết minh có liên quan trong báo cáo tài chính có đầy đủ hay không.
Khi có sự chậm trễ đáng kể của Ban Giám đốc hoặc Ban quản trị đơn vị được kiểm toán đối với việc phê duyệt báo cáo tài chính sau ngày kết thúc kỳ kế toán, kiểm toán viên phải tìm hiểu lý do của sự chậm trễ đó. Nếu kiểm toán viên tin rằng sự chậm trễ có thể do tác động của các sự kiện hoặc điều kiện liên quan đến việc đánh giá khả năng hoạt động liên tục của đơn vị thì kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung cần thiết như đã quy định tại đoạn 16 Chuẩn mực kiểm toán số 570, cũng như xem xét ảnh hưởng đến kết luận của kiểm toán viên về sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu như quy định tại đoạn 17 Chuẩn mực kiểm toán số 570.
Khi thực hiện Chuẩn mực kiểm toán số 570 cần tham khảo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200: Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (Ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC).
Hướng dẫn đoạn 02 Chuẩn mực kiểm toán số 570 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC:
Lưu ý khi kiểm toán các đơn vị trong lĩnh vực công
Việc Ban Giám đốc sử dụng giả định hoạt động liên tục cũng có thể phù hợp với các đơn vị trong lĩnh vực công. Ví dụ, đoạn 38 - 41 Chuẩn mực quốc tế về kế toán công số 1 (IPSAS1) đề cập đến khả năng hoạt động liên tục của các đơn vị trong lĩnh vực công. Rủi ro về khả năng hoạt động liên tục có thể phát sinh, nhưng không giới hạn, trong trường hợp đơn vị công hoạt động trên cơ sở lợi nhuận, khi các khoản tài trợ của Chính phủ có thể bị cắt giảm hoặc bị thu hồi, hoặc trong trường hợp tư nhân hóa. Các sự kiện hoặc điều kiện có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị trong lĩnh vực công có thể bao gồm trường hợp đơn vị thiếu nguồn tài trợ để tiếp tục hoạt động hoặc khi có chính sách ảnh hưởng đến các dịch vụ mà đơn vị cung cấp.
Quý khách hàng xem tiếp tục >> Chuẩn mực kiểm toán số 570: Hoạt động liên tục (Phần 6)