PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục trình bày chuẩn mực kiểm toán số 200: Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên và DN kiểm toán qua bài viết sau đây:
>> Chuẩn mực kiểm toán số 200: Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên và DN kiểm toán (Phần 18)
>> Chuẩn mực kiểm toán số 200: Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên và DN kiểm toán (Phần 17)
Căn cứ Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam chuẩn mực kiểm toán số 200: Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (sau đây viết tắt là chuẩn mực kiểm toán số 200) (ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Bộ Tài chính), chuẩn mực kiểm toán số 200 được tiếp tục hướng dẫn áp dụng như sau:
- Với một mức rủi ro kiểm toán xác định trước, mức độ rủi ro phát hiện được chấp nhận có mối quan hệ trái chiều với rủi ro có sai sót trọng yếu được đánh giá ở cấp độ cơ sở dẫn liệu. Ví dụ, nếu kiểm toán viên xác định là rủi ro có sai sót trọng yếu ở mức độ càng cao thì rủi ro phát hiện có thể chấp nhận ở mức càng thấp, và càng cần các bằng chứng kiểm toán có tính thuyết phục cao hơn.
- Rủi ro phát hiện liên quan đến nội dung, lịch trình, phạm vi các thủ tục được kiểm toán viên xác định để giảm rủi ro kiểm toán xuống mức độ thấp có thể chấp nhận được. Do đó, rủi ro phát hiện là sự kết hợp giữa tính hiệu quả của các thủ tục kiểm toán và việc kiểm toán viên thực hiện các thủ tục đó. Các vấn đề sau đây giúp tăng cường hiệu quả của các thủ tục kiểm toán và việc kiểm toán viên thực hiện các thủ tục đó, giúp giảm khả năng kiểm toán viên lựa chọn thủ tục kiểm toán không phù hợp, thực hiện sai thủ tục kiểm toán hoặc hiểu không đúng các kết quả kiểm toán:
+ Lập kế hoạch kiểm toán đầy đủ, phù hợp;
+ Bố trí nhân sự phù hợp cho nhóm kiểm toán;
+ Duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp;
+ Giám sát và kiểm tra các công việc đã thực hiện.
- Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 300 và số 330 quy định và hướng dẫn về lập kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính và biện pháp xử lý của kiểm toán viên đối với rủi ro đã đánh giá. Do những hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán, rủi ro phát hiện chỉ có thể được giảm bớt mà không thể loại trừ hoàn toàn. Theo đó, một số rủi ro phát hiện sẽ luôn luôn tồn tại.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Chuẩn mực kiểm toán số 200: Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên và DN kiểm toán (Phần 19)
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Kiểm toán viên không thể loại trừ hoàn toàn rủi ro kiểm toán và không thể đạt được sự đảm bảo tuyệt đối về việc báo cáo tài chính hoàn toàn không có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc do nhầm lẫn. Cuộc kiểm toán luôn có những hạn chế vốn có làm cho hầu hết các bằng chứng kiểm toán mà kiểm toán viên dựa vào để đưa ra kết luận và hình thành ý kiến kiểm toán đều mang tính thuyết phục nhiều hơn là tính khẳng định chắc chắn. Những hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán bắt nguồn từ:
- Bản chất của việc lập và trình bày báo cáo tài chính;
- Bản chất của các thủ tục kiểm toán;
- Sự cần thiết phải thực hiện cuộc kiểm toán với thời gian và giá phí hợp lý.
Việc lập và trình bày báo cáo tài chính gồm các xét đoán của Ban Giám đốc trong việc áp dụng các quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính vào hoàn cảnh thực tế của đơn vị. Ngoài ra, nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính liên quan đến các quyết định hoặc đánh giá chủ quan hoặc có mức độ không chắc chắn, có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau đều có thể được chấp nhận. Kết quả là một số khoản mục trên báo cáo tài chính có mức độ thay đổi tiềm tàng, không thể loại trừ hoàn toàn bằng việc áp dụng các thủ tục kiểm toán bổ sung. Ví dụ, đối với các ước tính kế toán, chuẩn mực kiểm toán yêu cầu kiểm toán viên xem xét tính phù hợp của các ước tính kế toán đối với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng và các thuyết minh liên quan, đồng thời xem xét khía cạnh định tính trong công việc kế toán của đơn vị được kiểm toán, bao gồm các dấu hiệu về sự thiên lệch, thiếu khách quan (nếu có) trong các xét đoán của Ban Giám đốc (xem Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 540 và đoạn 12 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC).
Quý khách hàng xem tiếp >> Chuẩn mực kiểm toán số 200: Mục tiêu tổng thể của kiểm toán viên và DN kiểm toán (Phần 20)