Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất phát sinh thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
>> 06 ưu tiên đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, dưới 10 lao động
>> Điều kiện kinh doanh bánh trung thu tự làm
Thông tư 50/2022/TT-BTC thay thế Thông tư 329/2016/TT-BTC đã hệ thống lại một cách chi tiết, rõ ràng hơn các trường hợp mà doanh nghiệp bảo hiểm được loại trừ trách nhiệm bồi thường, bao gồm các tổn thất được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chung và các tổn thất được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tương ứng với từng trường hợp cụ thể.
Theo đó, trong nội dung loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chung đã mở rộng thêm một số tổn thất mà doanh nghiệp bảo hiểm được loại trừ bao gồm: tổn thất phát sinh do hành động ác ý có liên quan tới các tổ chức chính trị; các thiệt hại bị gây ra theo lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổn thất phát sinh do ngừng công việc thi công xây dựng hoặc tổn thất do hậu quả của ngừng công việc thi công xây dựng.
Ngoài ra, đối với các tổn thất được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp cụ thể, Thông tư 50/2022/TT-BTC cũng dự liệu thêm nhiều trường hợp mới mà doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường, có thể kể đến như:
- Tổn thất phát sinh do nấm mốc;
- Tổn thất phát sinh từ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Thiệt hại đối với tài sản trên mặt đất hay sức khỏe, tính mạng do bộ phận chịu lực và địa chất công trình bị dịch chuyển hay suy yếu gây ra;
- Thiệt hại là hậu quả của tai nạn gây ra bởi xe cơ giới hay các phương tiện tàu thuyền, xà lan hay máy bay đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với bên thứ ba;
- Trách nhiệm là hậu quả của các thương tật hay ốm đau gây ra cho người lao động của chủ đầu tư hoặc nhà thầu có liên quan đến công trình được bảo hiểm;
- Tổn thất xảy ra đối với tài sản thuộc sở hữu hoặc thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của chủ đầu tư hoặc nhà thầu hay của người lao động hoặc công nhân của một trong những người trên.
Cụ thể các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng như sau:
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 50/2022/TT-BTC thì doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất sau:
(1) Tổn thất phát sinh do chiến tranh, bạo loạn, đình công, hành động của các thế lực thù địch, nổi loạn, hành động ác ý nhân danh hoặc có liên quan tới các tổ chức chính trị, tịch biên, sung công, trưng dụng, trưng thu hay phá hủy hoặc bị gây thiệt hại theo lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
(2) Tổn thất phát sinh do hành động khủng bố;
(3) Tổn thất phát sinh do phản ứng hạt nhân, phóng xạ hạt nhân, nhiễm phóng xạ;
(4) Tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý vi phạm pháp luật của bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm;
Lưu ý: Quy định này không áp dụng đối với bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường trong trường hợp người lao động tự vệ, cứu người, cứu tài sản hoặc sử dụng các chất kích thích để điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
(5) Tổn thất phát sinh trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm (bao gồm các quyền: quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản, quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm);
(6) Tổn thất phát sinh do ngừng công việc thi công xây dựng hoặc tổn thất do hậu quả của ngừng công việc thi công xây dựng (dù là ngừng một phần hoặc toàn bộ công việc thi công);
(7) Tổn thất đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.
Như vậy, nếu doanh nghiệp để phát sinh tổn thất thuộc một trong các trường hợp nêu trên sẽ không được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường.
Trong thời gian xây dựng, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải bồi thường cho các tổn thất của công trình phát sinh từ mọi rủi ro (Điều 8 Thông tư 50/2022/TT-BTC), ngoại trừ các trường hợp sau đây:
(1) Các trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chung được liệt kê tại mục 2 của bài viết;
(2) Tổn thất phát sinh do lỗi thiết kế của nhà thầu tư vấn đối với công trình xây dựng;
(3) Tổn thất do hiện tượng ăn mòn, mài mòn, ôxy hóa;
(4) Tổn thất do hiện tượng mục rữa và diễn ra trong điều kiện áp suất, nhiệt độ bình thường;
(5) Tổn thất do hiện tượng kết tạo vẩy cứng như han gỉ, đóng cặn hoặc các hiện tượng tương tự khác;
Lưu ý: quy định tại các mục (4) và (5) này chỉ áp dụng đối với công trình xây dựng được bảo hiểm có giá trị dưới một nghìn (1.000) tỷ đồng, có bao gồm công việc lắp đặt và chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt thấp hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng được bảo hiểm.
(6) Chi phí sửa chữa, thay thế, chỉnh sửa khuyết tật của nguyên vật liệu hoặc lỗi tay nghề;
Quy định này chỉ áp dụng đối với tổn thất của các hạng mục bị ảnh hưởng trực tiếp, không áp dụng đối với tổn thất của các hạng mục khác là hậu quả gián tiếp do khuyết tật của nguyên vật liệu hoặc lỗi tay nghề.
(7) Tổn thất hay thiệt hại chỉ phát hiện được vào thời điểm kiểm kê.
Như vậy, trong thời gian xây dựng, nếu doanh nghiệp để phát sinh các tổn thất thuộc một trong các trường hợp nêu trên sẽ không được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 50/2022/TT-BTC thì ngoại trừ các trường hợp sau đây, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu tư vấn những khoản tiền mà nhà thầu tư vấn có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất của bên thứ ba phát sinh từ việc thực hiện công việc tư vấn đầu tư xây dựng và các chi phí có liên quan:
(1) Các trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chung được liệt kê tại mục 2 của bài viết;
(2) Tổn thất phát sinh do nhà thầu tư vấn cố ý lựa chọn phương pháp thi công, tính toán, đo đạc, thiết kế, sử dụng vật liệu chưa thử nghiệm;
(3) Chi phí thiết kế lại hoặc sửa bản vẽ, kế hoạch, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật hoặc danh mục tài liệu hướng dẫn kỹ thuật;
(4) Tổn thất phát sinh do nấm mốc;
(5) Tổn thất do việc tư vấn khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng dẫn đến gây ô nhiễm, nhiễm bẩn đối với môi trường và bên thứ ba;
(6) Tổn thất có liên quan đến chất amiăng hoặc bất kỳ nguyên vật liệu nào có chứa chất amiăng;
(7) Tổn thất phát sinh từ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường (Điều 22 Thông tư 50/2022/TT-BTC), trừ các trường hợp sau đây thì doanh nghiệp bảo hiểm được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm:
(1) Các trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chung được liệt kê tại mục 2 của bài viết;
(2) Tổn thất có liên quan đến chất amiăng hoặc bất kỳ nguyên vật liệu nào có chứa chất amiăng.
Như vậy, nếu doanh nghiệp để xảy ra các tổn thất đối với người lao động thi công trên công trường thuộc một trong các trường nêu trên thì sẽ không được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường.
Theo quy định tại Điều 29 Thông tư 50/2022/TT-BTC thì doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản phát sinh trực tiếp trong quá trình thi công xây dựng và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, trừ các trường hợp sau đây:
(1) Các trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chung được liệt kê tại mục 2 của bài viết;
(2) Tổn thất phát sinh từ sự ô nhiễm hoặc nhiễm bẩn. Loại trừ này không áp dụng đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản phát sinh từ sự ô nhiễm hoặc nhiễm bẩn do rủi ro bất ngờ, không lường trước được;
(3) Thiệt hại đối với tài sản trên mặt đất hay sức khỏe, tính mạng do bộ phận chịu lực và địa chất công trình bị dịch chuyển hay suy yếu gây ra;
(4) Thiệt hại là hậu quả của tai nạn gây ra bởi xe cơ giới hay các phương tiện tàu thuyền, xà lan hay máy bay đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với bên thứ ba;
(5) Trách nhiệm là hậu quả của các thương tật hay ốm đau gây ra cho người lao động của chủ đầu tư hoặc nhà thầu có liên quan đến công trình được bảo hiểm;
(6) Tổn thất xảy ra đối với tài sản thuộc sở hữu hoặc thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của chủ đầu tư hoặc nhà thầu hay của người lao động hoặc công nhân của một trong những người trên;
(7) Tổn thất có liên quan đến chất amiăng hoặc bất kỳ nguyên vật liệu nào có chứa chất amiăng.
Như vậy, tổn thất phát sinh trong các trường hợp nói trên sẽ thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm và sẽ không được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường.