Ngày 10/10/2022, Bộ Công Thương có Thông báo 257/TB-BCT về việc doanh nghiệp có thể tải và tự in mẫu C/O từ Hệ thống Quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương.
>> 08 khoản chi phúc lợi cho người lao động được trừ khi tính thuế TNDN
>> 07 lưu ý quan trọng với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán
Thông báo 257/TB-BCT ngày 10/10/2022 |
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of original – C/O) là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức thuộc nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó (khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP).
Như vậy, C/O cấp phát ra để xác nhận là hàng hóa do nước đó sản xuất ra và phân phối trên thị trường xuất khẩu theo quy tắc xuất xứ, nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa khi nhập khẩu vào một quốc gia khác (nước nhập khẩu) về thuế xuất nhập khẩu.
Theo Thông báo số 257/TB-BCT của Bộ Công thương ngày 10/10/2022 thì kể từ ngày 15/10/2022, doanh nghiệp đề nghị cấp các loại C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) được liệt kê dưới đây có thể tải mẫu C/O và tự in từ Hệ thống Quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương (Ecosys) tại địa chỉ http://ecosys.gov.vn. Các loại C/O gồm:
- Mẫu D: Hàng hóa xuất khẩu sang các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định CEPT;
- Mẫu AANZ: Hàng hóa xuất khẩu sang Australia, New Zealand và các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định ASEAN – Úc – New Zealand (AANZFTA);
- Mẫu AK: Hàng hóa xuất khẩu sang Hàn Quốc và các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định ASEAN – Hàn Quốc (ASEAN +2);
- Mẫu AI: Hàng hóa xuất khẩu sang Ấn Độ và các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định ASEAN – Ấn Độ (AIFTA);
- Mẫu AJ: Hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định ASEAN – Nhật Bản (ASEAN + 3);
- Mẫu E: Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định ASEAN – Trung Quốc;
- Mẫu AHK: Hàng hóa xuất khẩu sang Hồng Kông, Trung Quốc và các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định ASEAN – Hồng Kông, Trung Quốc (AHKFTA);
- Mẫu RCEP: Hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand và các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP);
- Mẫu CPTPP: Hàng hóa xuất khẩu sang Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore thuộc diện được hưởng hưu đãi thuế quan theo Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP);
- Mẫu VK: Hàng hóa xuất khẩu sang Hàn Quốc thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA);
- Mẫu VJ: Hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA);
- Mẫu VC: Hàng hóa xuất khẩu sang Chile thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Việt Nam – Chile (VCFTA);
- Mẫu VN – CU: Hàng hóa xuất khẩu sang Cuba thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Việt Nam – Cuba;
- Mẫu S: Hàng xuất khẩu sang Lào thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Việt Nam – Lào.
Việc sử dụng C/O hợp lệ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, tuy nhiên cần lưu ý các vấn đề sau:
- Khi doanh nghiệp tải về và tự in các Mẫu C/O tại Mục 2 phải thực hiện trên giấy trắng, kích thước A4 theo tiêu chuẩn ISO.
- Các mẫu C/O nêu trên do Bộ Công Thương phát hành cho doanh nghiệp vẫn được tiếp tục sử dụng hết ngày 15/4/2023.