Dưới đây là các hình thức tập trung kinh tế hiện nay, quy định về các tiêu chí xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế và hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 28/11/2024
>> Mức thu phí bảo vệ môi trường khi khai thác dầu thô
Căn cứ Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018, tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau:
(i) Sáp nhập doanh nghiệp.
(ii) Hợp nhất doanh nghiệp.
(iii) Mua lại doanh nghiệp.
(iv) Liên doanh giữa các doanh nghiệp.
(v) Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.
Trong đó:
- Sáp nhập doanh nghiệp: là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.
- Hợp nhất doanh nghiệp: là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.
- Mua lại doanh nghiệp: là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.
- Liên doanh giữa các doanh nghiệp: là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới.
File Word Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn còn hiệu lực năm 2024 |
Các hình thức tập trung kinh tế hiện nay (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 33 Luật Cạnh tranh 2018, ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được xác định căn cứ vào một trong các tiêu chí sau đây:
(i) Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
(ii) Tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
(iii) Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế.
(iv) Thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
Căn cứ khoản 1 Điều 34 Luật Cạnh tranh 2018, thành phần hồ sơ thông báo tập trung kinh tế bao gồm:
(i) Mẫu thông báo tập trung kinh tế do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành.
(ii) Dự thảo nội dung thỏa thuận tập trung kinh tế hoặc dự thảo hợp đồng, biên bản ghi nhớ việc tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp.
(iii) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
(iv) Báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm thông báo tập trung kinh tế hoặc báo cáo tài chính từ thời điểm thành lập đến thời điểm thông báo tập trung kinh tế đối với doanh nghiệp mới thành lập có xác nhận của tổ chức kiểm toán theo quy định của pháp luật.
(v) Danh sách các công ty mẹ, công ty con, công ty thành viên, chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị phụ thuộc khác của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế (nếu có).
(vi) Danh sách các loại hàng hóa, dịch vụ mà từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế đang kinh doanh.
(vii) Thông tin về thị phần trong lĩnh vực dự định tập trung kinh tế của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm thông báo tập trung kinh tế.
(viii) Phương án khắc phục khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh của việc tập trung kinh tế.
(ix) Báo cáo đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế và các biện pháp tăng cường tác động tích cực của việc tập trung kinh tế.