1. Mức trợ cấp của bệnh binh tăng 103 – 252 nghìn đồng/tháng
Nghị định 70/2017/NĐ-CP quy định mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng được tăng từ 1.318.000 đồng lên 1.417.000 đồng.
Theo đó, từ ngày 01/7/2017,mức trợ cấp hàng tháng của bệnh binh tính theo phần trăm suy giảm khả năng lao động như sau:
- Suy giảm từ 41% - 50% được trợ cấp 1.479.000 đồng (tăng 103.000 đồng)
- Suy giảm từ 51% - 60% được trợ cấp 1.842.000 đồng (tăng 129.000 đồng)
- Suy giảm từ 61% - 70% được trợ cấp 2.348.000 đồng (tăng 164.000 đồng)
- Suy giảm từ 71% - 80% được trợ cấp 2.708.000 đồng (tăng 189.000 đồng)
- Suy giảm từ 81% - 90% được trợ cấp 3.241.000 đồng (tăng 226.000 đồng)
- Suy giảm từ 91% - 100% được trợ cấp 3.609.000 đồng (tăng 252.000 đồng).
Nghị định 70/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/7/2017, các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 01/7/2017.
2. Kế toán công ty đại chúng không được kiêm nhiệm làm kiểm soát viên
Theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP thì công ty đại chúng có từ 03 – 05 kiểm soát viên là những người đáp ứng Khoản 1 Điều 164 Luật doanh nghiệp 2014, Điều lệ công ty và không thuộc trường hợp sau:
- Kiểm soát viên không được làm việc trong bộ phận kế toán, tài chính của công ty.
- Không thuộc thành viên hay nhân viên của công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của công ty trong 03 năm liền trước đó.
- Đối với công ty niêm yết và công ty đại chúng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Kiểm soát viên phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên.
Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty.
Như vậy, quy định mới không cho phép kế toán được kiêm nhiệm luôn chức danh kiểm soát viên kể từ ngày Nghị định 71/2017/NĐ-CP có hiệu lực ( ngày 01/8/2017).
3. Kinh tế tư nhân chiếm 50% GDP vào năm 2020
Đây là mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cụ thể, đề ra mục tiêu nâng tỉ trọng đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tư nhân đến năm 2020 đạt khoảng 50%; năm 2025 khoảng 55% và đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.
Một trong những nhiệm vụ chủ yếu để đạt được mục tiêu trên là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; trong đó:
- Bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
- Khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động;
- Thu hẹp những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện;
- Hoàn thiện và bảo đảm thực thi minh bạch, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp;
- Có chính sách khuyến khích sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng chủ yếu dựa vào doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Nghị quyết 10/NQ-TW được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào ngày 03/6/2017.
4. Nghị quyết 11-NQ/TW năm 2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 03/06/2017.
5. Nghị quyết 12-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 03/06/2017.