1. Điều kiện ký kết hợp đồng trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
Đây là nội dung tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, điều kiện ký kết hợp đồng thực hiện một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:
- Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập: Phải có nhu cầu ký kết hợp đồng thực hiện các công việc quy định tại Điều 4 Nghị định 111/2022/NĐ-CP và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật;
- Đối với tổ chức cung cấp dịch vụ: Phải đáp ứng đầy đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, bảo đảm chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động và quy định của pháp luật khác có liên quan;
(Bổ sung điều kiện với đối tượng là tổ chức cung cấp dịch vụ so với quy định hiện hành.)
- Đối với cá nhân: Phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 đối với trường hợp cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ hoặc khoản 1 Điều 10 đối với trường hợp cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP .
Nghị định 111/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 22/02/2023 và thay thế Nghị định 68/2000/NĐ-CP , Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP , khoản 2 Điều 7 Nghị định 06/2013/NĐ-CP , Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 03/7/2022.
2. Điều chỉnh đối tượng và điều kiện dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 02/2023/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 21/02/2023) sửa đổi Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia kèm theo Thông tư 56/2011/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi Thông tư 41/2012/TT-BGDĐT và Thông tư 37/2013/TT-BGDĐT .
Theo đó, điều chỉnh đối tượng và điều kiện dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia như sau:
- Mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo, trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và mỗi đại học, học viện, trường đại học có trường trung học phổ thông chuyên được đăng ký là một đơn vị dự thi;
- Thí sinh là học sinh đang học ở cấp trung học phổ thông, có xếp loại hạnh kiểm (hoặc rèn luyện) và học lực (hoặc học tập) từ khá trở lên theo kết quả cuối kỳ (hoặc năm học) liền kề với kỳ thi và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi;
(Bổ sung điều kiện thí sinh có kết quả xếp loại rèn luyện và học tập từ khá trở lên so với quy định hiện hành.)
- Mỗi thí sinh chỉ được phép tham dự một môn thi.
3. Quy hoạch tổng thể quốc gia thành 06 vùng kinh tế - xã hội
Quốc hội thông qua Nghị quyết 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thành 06 vùng kinh tế - xã hội như sau:
- Vùng trung du và miền núi phía Bắc, gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hoà Bình.
- Vùng đồng bằng sông Hồng, gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.
- Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận.
- Vùng Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
- Vùng Đông Nam Bộ, gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.
- Vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Xem thêm tại Nghị quyết 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023.
4. Yêu cầu cơ bản của công trình cấp nước sạch nông thôn
Thông tư 23/2022/TT-BNNPTNT (có hiệu lực từ ngày 28/02/2023) hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn.
Trong đó, quy định yêu cầu cơ bản của công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung bảo đảm cấp nước an toàn, cụ thể:
- Bảo đảm cấp nước liên tục, ổn định, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng theo quy định của pháp luật.
- Các hạng mục công trình thu, xử lý, trữ, phân phối nước sạch đến khách hàng được quản lý, vận hành, bảo dưỡng theo quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật.
- Có phương án kiểm soát các nguy hại, rủi ro, sự cố có thể xảy ra trong hệ thống từ nguồn nước đến khách hàng và biện pháp cấp nước dự phòng trường hợp xảy ra gián đoạn cấp nước trên 48 giờ.
- Có cơ chế quản lý tài chính rõ ràng, doanh thu đủ bù đắp chi phí và có tích lũy phục vụ công tác duy tu, sửa chữa nhỏ và khắc phục sự cố.