1. Quy định mới về lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại ngân hàng
Thông tư 04/2022/TT-NHNN về áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) có hiệu lực từ ngày 01/8/2022.
Theo đó, lãi suất rút trước hạn tiền gửi quy định như sau:
- Trường hợp rút toàn bộ tiền gửi: TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn tiền gửi.
- Trường hợp rút trước hạn một phần tiền gửi:
+ Đối với phần rút trước hạn: mức lãi suất như trường hợp rút trước hạn toàn bộ tiền gửi;
+ Đối với phần tiền gửi còn lại: TCTD áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.
(Hiện hành không có sự phân chia quy định lãi suất rút trước hạn toàn bộ và rút trước hạn một phần tiền gửi).
Đối với các thỏa thuận lãi suất rút trước hạn tiền gửi trước ngày 01/8/2022, TCTD và khách hàng tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết cho đến ngày đến hạn, ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi hoặc thỏa thuận thực hiện theo quy định tại Thông tư 04/2022/TT-NHNN .
2. 03 loại hình tổ chức quản lý khu du lịch quốc gia
Nghị định 30/2022/NĐ-CP quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia (KDLQG) có hiệu lực từ ngày 01/8/2022.
Theo đó, tổ chức quản lý KDLQG là tổ chức được thành lập và có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý KDLQG, được tổ chức qua 03 loại hình sau:
- Đơn vị quản lý KDLQG thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ;
- Ban quản lý KDLQG thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh;
- Doanh nghiệp đầu tư hình thành KDLQG.
Đối với doanh nghiệp đầu tư hình thành KDLQG thì cơ cấu tổ chức và hoạt động sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 01/8/2022, các KDLQG đã được công nhận phải tổ chức lại Ban quản lý theo quy định tại Nghị định 30/2022/NĐ-CP .
3. Đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch
Nghị định 43/2022/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch có hiệu lực từ ngày 08/8/2022.
Theo đó, đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung và cấp nước sạch đô thị bao gồm:
- Đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cấp nước sạch;
- Doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước có chức năng sản xuất, kinh doanh nước sạch theo quy định của pháp luật về đầu tư, về doanh nghiệp, về sản xuất, kinh doanh nước sạch;
- Cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch.
Riêng đối với cấp nước sạch nông thôn tập trung thì còn có thêm UBND cấp xã cũng là đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.
Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch (bao gồm cả đất gắn với công trình kết cấu hạ tầng cấp nước sạch) gồm: công trình khai thác nước, công trình xử lý nước, mạng lưới đường ống cung cấp nước sạch và các công trình phụ trợ có liên quan.
4. Mức phí cấp phép kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài
Thông tư 39/2022/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 121/2021/NĐ-CP về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài có hiệu lực từ ngày 08/8/2022.
Theo đó, phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài quy định như sau:
- Phí thẩm định cấp, gia hạn: 150.000.000 đồng;
- Phí thẩm định cấp lại, điều chỉnh: 5.000.000 đồng.
Sau khi thẩm định doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính thông báo cho doanh nghiệp nộp phí thẩm định theo quy định, các loại phí trên là khoản thu thuộc ngân sách trung ương.
Doanh nghiệp chỉ được cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sau khi đã nộp phí vào ngân sách nhà nước.