1. Hướng dẫn cách tính trợ cấp cho quân nhân nghỉ hưu sớm
Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Thông tư 162/2017/TT-BQP hướng dẫn Nghị định 151/2016/NĐ-CP về chế độ, chính sách của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Theo đó, quân nhân đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi thì không bị trừ tỷ lệ lương hưu và ngoài chế độ bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có), còn được hưởng trợ cấp như sau:
- Trợ cấp một lần cho số năm nghỉ hưu trước tuổi = số năm được trợ cấp x 03 tháng x tiền lương tháng bình quân.
- Trợ cấp 05 tháng tiền lương bình quân cho 20 năm đầu công tác; từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm trợ cấp 1/2 tháng tiền lương bình quân, tính theo công thức:
Tiền trợ cấp cho số năm công tác ={5 tháng + [(tổng số năm công tác - 20 năm) x 1/2 tháng]} xTiền lương tháng bình quân.
Thông tư 162/2017/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 25/8/2017 và các chế độ, chính sách hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/7/2016.
2. Bổ sung trường hợp giáo viên kiêm nhiệm được giảm tiết dạy
Từ ngày 28/8/2017, Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, ngoài các vị trí việc làm do giáo viên kiêm nhiệm đã được hưởng định mức giảm tiết dạy theo quy định hiện hành thì các vị trí sau cũng sẽ được hưởng định mức giảm tiết dạy:
- Giáo viên kiêm nhiệm làm công tác giáo vụ:
+ Trường có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo, giáo viên kiệm nhiệm được giảm 08 tiết/tuần.
+ Trường có từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo, giáo viên kiệm nhiệm được giảm 04 tiết/tuần.
- Giáo viên kiêm nhiệm làm công tác tư vấn học sinh.
- Giáo viên kiêm nhiệm làm phụ trách điểm trường.
Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT thay thế Thông tư liên tịch 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư 59/2008/TT-BGDĐT .
3. Quy định mới về huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định
Thông tư 09/2017/TT-BCT (có hiệu lực từ ngày 31/8/2017) về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương quy định hình thức huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch như sau:
- Huấn luyện, sát hạch lần đầu áp dụng đối với cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định viên quy định tại Điều 7 của Thông tư này.
- Huấn luyện, sát hạch lại áp dụng đối với Kiểm định viên có chứng chỉ đã hết hạn hoặc Kiểm định viên bị thu hồi chứng chỉ.
- Bồi dưỡng áp dụng đối với kiểm định viên đã được cấp chứng chỉ sau 30 tháng kể từ thời điểm cấp chứng chỉ.
4. Tiếp tục tăng lương cơ sở từ năm 2018
Đây là nội dung đáng chú được đề cập tại Thông tư 71/2017/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2018 - 2020.
Theo đó, trong năm 2018, tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm theo quy định; cụ thể như sau:
- Các bộ, cơ quan trung ương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao, tiết kiệm chi thường xuyên và phấn đấu tăng nguồn thu sự nghiệp để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương.
- Các địa phương sẽ sử dụng các nguồn sau để ưu tiên thực hiện cải cách tiền lương:
+ Tiếp tục cơ chế tiết kiệm 10% chi thường xuyên.
+ 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương.
+ Yêu cầu các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có nguồn thu được giao tự chủ phấn đấu tăng thu cùng với lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ...
Xem thêm tại Khoản 7 Điều 11 Thông tư 71/2017/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 25/8/2017).
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY