Thủ tục hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế năm 2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Hoàn trả tiền đóng BHYT được quy định tại Điều 20 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, theo đó người đang tham gia BHYT theo nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình được hoàn trả tiền đóng BHYT trong các trường hợp sau:
(1) Người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó (có thứ tự đóng xếp sau đối tượng mới theo quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008);
(2) Được ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng hỗ trợ mức đóng BHYT;
(3) Bị chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng.
- Số tiền hoàn trả:
Số tiền hoàn trả tính theo mức đóng BHYT và thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ. Thời gian đã đóng tiền nhưng chưa sử dụng thẻ được tính từ thời điểm sau đây:
+ Từ thời điểm thẻ BHYT được cấp theo nhóm mới bắt đầu có giá trị sử dụng đối với đối tượng tại điểm (1).
+ Từ thời điểm quyết định của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực đối với đối tượng tại điểm (2).
+ Từ thời điểm thẻ có giá trị sử dụng đối với đối tượng tại điểm (3).
- Thành phần hồ sơ bao gồm:
+ Tờ khai điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
Mẫu TK1-TS |
+ Văn bản chứng thực hoặc bản kèm theo bản chính Giấy chứng tử đối với trường hợp chết.
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
(STT 3.3, 3.4 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021)
- Thủ tục hoàn trả tiền đóng bảo hiểm y tế được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1. Lập, nộp hồ sơ gửi Cơ quan BHXH Người tham gia: lập Tờ khai TK1-TS.
(Trường hợp người tham gia chết thì thân nhân người tham gia: lập Tờ khai TK1-TS)
Bước 2. Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3. Người tham gia nhận kết quả đã giải quyết.
Theo đó, người tham gia hoặc thân nhân người tham gia có thể nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH theo một trong các hình thức sau:
- Qua giao dịch điện tử: người tham gia đăng ký nhận mã xác thực và gửi hồ sơ điện tử đến Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN (nếu đã đăng ký sử dụng dịch vụ I-VAN); trường hợp không chuyển hồ sơ giấy sang định dạng điện tử thì gửi hồ sơ giấy cho cơ quan BHXH qua bưu chính;
- Qua Bưu chính;
- Trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan BHXH nơi quản lý (hoặc nơi cư trú) hoặc tại Trung tâm Phục vụ HCC các cấp.
(Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021)
Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của các đối tượng được quy định như sau:
- Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với đối tượng là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.
+ Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế;
+ Người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh;
- Bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động đối với đối tượng là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.;
- Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản đối với đối tượng là người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
- Bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp đối với đối tượng là người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với các đối tượng khác;
- Mức đóng bảo hiểm y tế của nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.