Thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
11/05/2024 15:30 PM

Xin hỏi thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao được quy định như thế nào? - Thu Nguyệt (Thanh Hoá)

Thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao (Hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thẩm quyền biên chế và tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ của Viện trưởng viện kiểm sát tối cao

Căn cứ Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1183/2007/QĐ-VKSTC quy định về biên chế và tiếp nhận, tuyển dụng cán bộ của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao như sau:

- Quyết định về cơ cấu cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân; quyết định chỉ tiêu biên chế và hợp đồng lao động cho các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định chỉ tiêu biên chế và hợp đồng lao động của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, tổng chỉ tiêu biên chế và hợp đồng lao động của các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện của mỗi tỉnh.

- Quyết định thành lập Hội đồng sơ tuyển, Hội đồng tuyển dụng cán bộ của cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Tiếp nhận cán bộ từ ngạch Chuyên viên chính và tương đương trở lên vào làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Công nhận kết quả thi tuyển do các Hội đồng tuyển dụng tổ chức.

2. Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao

Theo Điều 11 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1183/2007/QĐ-VKSTC thì thẩm quyền  bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao bao gồm:

- Quyết định danh sách ủy viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và danh sách thành viên ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

- Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ quản lý hành chính và các chức danh pháp lý của ngành Kiểm sát (trừ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và chức danh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

- Quyết định tổ chức thi nâng ngạch Kiểm tra viên các cấp và bổ nhiệm cán bộ vào các ngạch Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính và Kiểm tra viên.

3. Thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao

Theo Điều 12 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1183/2007/QĐ-VKSTC quy định về về thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao bao gồm:

- Quyết định cách chức chức danh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Điều tra viên các cấp.

- Thành lập Hội đồng kỷ luật và quyết định kỷ luật đối với Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cán bộ công tác tại các đơn vị trực thuộc.

- Quyết định hạ bậc lương, hạ ngạch công chức, cách chức hoặc buộc thôi việc đối với cán bộ là Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

- Quyết định hạ ngạch công chức, buộc thôi việc đối với cán bộ ngạch Chuyên viên chính và tương đương trở lên.

- Giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật:

+ Lần thứ nhất đối với những trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 12 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1183/2007/QĐ-VKSTC.

+ Lần thứ hai đối với các quyết định thi hành kỷ luật cán bộ do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 246

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn