Đề xuất bổ sung 2 loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trữ (Hình từ internet)
Theo Điều 53 Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) về các hoạt động dịch vụ lưu trữ bao gồm:
- Kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để bảo quản tài liệu lưu trữ giấy, tài liệu lưu trữ trên các vật mang tin khác;
- Kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để lưu trữ tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ;
- Số hóa, xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ;
- Tu bổ, khử trùng, khử axit, vệ sinh tài liệu, kho lưu trữ tài liệu;
- Tư vấn nghiệp vụ lưu trữ.
Như vậy, so với quy định hiện hành thì Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã thêm 2 loại kinh doanh gồm: kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để bảo quản tài liệu lưu trữ giấy, tài liệu lưu trữ trên các vật mang tin khác và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để lưu trữ tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ vào các hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Hiện hành, tại khoản 3 Điều 36 Luật Lưu trữ 2011 quy định các hoạt động dịch vụ lưu trữ bao gồm: - Bảo quản, chỉnh lý, tu bổ, khử trùng, khử axit, khử nấm mốc, số hóa tài liệu lưu trữ không thuộc danh mục bí mật nhà nước; - Nghiên cứu, tư vấn, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ lưu trữ. |
Ngoài ra, Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) còn đề xuất quy định hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ quy định tại khoản 1 Điều 53 Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) cũng đề xuất phạm vi cung cấp dịch vụ lưu trữ của tổ chức, cá nhân như:
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trữ bao gồm:
+ Tổ chức có đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trữ được kinh doanh các hoạt động dịch vụ lưu trữ quy định tại khoản 1 Điều 53 Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi);
+ Cá nhân độc lập kinh doanh dịch vụ lưu trữ được kinh doanh các hoạt động dịch vụ lưu trữ quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 53 Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
- Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ lưu trữ theo thẩm quyền được giao.
- Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước hoạt động dịch vụ lưu trữ được đề xuất tại Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) như sau:
+ Bộ Nội vụ hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ trong phạm vi toàn quốc; cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động dịch vụ lưu trữ và việc cấp, sử dụng và quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ;
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ theo thẩm quyền quản lý.
- Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ được quy định như sau:
+ Tuân thủ quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ lưu trữ, bồi thường thiệt hại trong quá trình thực hiện dịch vụ theo quy định của pháp luật;
+ Bảo mật thông tin về hồ sơ, tài liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ lưu trữ; lưu trữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu về việc thực hiện dịch vụ lưu trữ;
+ Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến kết quả thực hiện dịch vụ lưu trữ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
- Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức sử dụng dịch vụ lưu trữ được quy định như sau:
+ Lựa chọn tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ lưu trữ bảo đảm chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm dịch vụ lưu trữ;
+ Quản lý, giám sát về quá trình và kết quả thực hiện hợp đồng dịch vụ lưu trữ của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ lưu trữ theo hợp đồng đã được ký kết;
+ Đối với cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, báo cáo cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ cùng cấp việc sử dụng dịch vụ lưu trữ. Thời hạn gửi báo cáo trước ngày 31/12 của năm báo cáo.
Lê Nguyễn Anh Hào