Lừa dối khách hàng trong mua, bán hàng hoá sẽ bị xử lý như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
08/05/2024 18:15 PM

Cho tôi hỏi hành vi lừa dối khách hàng trong mua, bán hàng hoá sẽ bị xử lý như thế nào? - Trung Kiên (Ninh Bình)

Lừa dối khách hàng trong mua, bán hàng hoá sẽ bị xử lý như thế nào?

Lừa dối khách hàng trong mua, bán hàng hoá sẽ bị xử lý như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Lừa dối khách hàng là gì?

Theo khoản 1 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 thì hành vi lừa dối khách hàng được hiểu là việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính sai hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác trong việc mua bán để thu lợi bất chính.

2. Lừa dối khách hàng trong mua, bán hàng hoá sẽ bị xử lý như thế nào?

Tùy theo tính chất và mức độ mà hành vi lừa dối khách hàng trong mua, bán hàng hoá có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

* Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Đối với hành vi lừa dối khách hàng trong mua, bán hàng hóa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 về tội lừa dối khách hàng được quy định như sau:

- Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

* Xử phạt hành chính:

Theo điểm b khoản 1 Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì người nào có hành vi  đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng mà không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Cùng hành vi trên thì tùy vào giá trị hàng hóa, dịch vụ giao dịch mà có các mức xử phạt hành chính khác nhau, cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Đồng thời người vi phạm bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (theo khoản 8 Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP).

* Lưu ý: Tại điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP) quy định thì mức phạt tiền theo quy định nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,810

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn