Khi nào sửa đổi Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
23/02/2024 13:56 PM

Tôi muốn biết Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là Điều lệ Đảng năm bao nhiêu? Khi nào sửa đổi Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam? – Phú Hùng (Cần Thơ)

Khi nào sửa đổi Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam?

Khi nào sửa đổi Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là Điều lệ Đảng năm bao nhiêu?

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam là văn bản pháp lý cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam, xác định tôn chỉ, mục đích, hệ tư tưởng, các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động, cơ cấu bộ máy của Đảng Cộng sản Việt Nam; quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của đảng viên và của tổ chức đảng các cấp.

Điều lệ Đảng do Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua và ban hành. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều phải chấp hành Điều lệ Đảng.

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (gọi tắt là Điều lệ Đảng) hiện nay đang được áp dụng là Điều lệ Đảng năm 2011, được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI ngày 19/01/2011)

Khi nào sửa đổi Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam?

Theo Điều lệ Đảng năm 2011, Đại hội đại biểu toàn quốc do Ban Chấp hành Trung ương triệu tập thường lệ năm năm một lần; có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá một năm.

Trong đó,  Đại hội đại biểu toàn quốc sẽ đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ vừa qua; quyết định đường lối, chính sách của Đảng nhiệm kỳ tới; bổ sung, sửa đổi Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng khi cần; bầu Ban Chấp hành Trung ương. Số lượng Uỷ viên Trung ương chính thức và Uỷ viên Trung ương dự khuyết do Đại hội quyết định.

Ngoài ra, Ban Chấp hành Trung ương xem xét việc chuyển Uỷ viên Trung ương dự khuyết có đủ điều kiện để thay thế Uỷ viên Trung ương chính thức khi khuyết.

Như vậy, theo quy định trên, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chỉ được sửa đổi, sung khi cần. Và chỉ Đại hội đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi Điều lệ Đảng.

(Khoản 1, 2 Điều 15 và Điều 48 Điều lệ Đảng năm 2011)

Một số điều cần biết về Đại hội đại biểu toàn quốc theo Điều lệ Đảng năm 2011

Sau đây là một số điều cần biết về Đại hội đại biểu toàn quốc theo Điều lệ Đảng năm 2011:

- Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.

- Các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc.

- Số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội đại biểu toàn quốc.

- Đại hội đại biểu toàn quốc do Ban Chấp hành Trung ương triệu tập thường lệ năm năm một lần; có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá một năm.

- Khi Ban Chấp hành Trung ương xét thấy cần hoặc khi có hơn một nửa số cấp uỷ trực thuộc yêu cầu thì Ban Chấp hành Trung ương triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc bất thường. Đại biểu dự Đại hội bất thường là các Uỷ viên Trung ương đương nhiệm, đại biểu đã dự Đại hội đại biểu toàn quốc đầu nhiệm kỳ, đủ tư cách.

- Ban Chấp hành Trung ương tổ chức chỉ đạo chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng nhiệm kỳ tiếp theo, Đại hội đại biểu toàn quốc bất thường (nếu có).

- Bộ Chính trị lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc.

- Chỉ Đại hội đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi Điều lệ Đảng.

Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc : tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,479

Bài viết về

lĩnh vực Đảng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn