Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Giáo dục công dân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
02/02/2024 15:31 PM

Mục tiêu xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Giáo dục công dân là gì? – Thanh Quốc (Cần Thơ)

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Giáo dục công dân

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Giáo dục công dân (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tải về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Giáo dục công dân

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Giáo dục công dân được hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Giáo dục công dân

2. Mục tiêu xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Giáo dục công dân

Mục tiêu xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Giáo dục công dân theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT như sau:

* Mục tiêu chung

Chương trình môn Giáo dục công dân góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; các năng lực của người công dân Việt Nam, đặc biệt là năng lực điều chỉnh hành vi, năng lực phát triển bản thân, năng lực tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế - xã hội,nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

* Mục tiêu cấp tiểu học

- Bước đầu hình thành, phát triển ở học sinh những hiểu biết ban đầu về chuẩn mực hành vi đạo đức, pháp luật và sự cần thiết thực hiện theo các chuẩn mực đó trong quan hệ với bản thân và người khác, với công việc, cộng đồng, đất nước, nhân loại và môi trường tự nhiên; thái độ tự trọng, tự tin; những tình cảm và hành vi tích cực: yêu gia đình, quê hương, đất nước; yêu thương, tôn trọng con người; đồng tình với cái thiện, cái đúng, cái tốt, không đồng tình với cái ác, cái sai, cái xấu; chăm học, chăm làm; trung thực; có trách nhiệm với thái độ, hành vi của bản thân.

- Giúp học sinh bước đầu nhận biết và điều chỉnh được cảm xúc, thái độ, hành vi của bản thân; biết quan sát, tìm hiểu về gia đình, quê hương, đất nước và về các hành vi ứng xử; biết lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch cá nhân,hình thành thói quen, nền nếp cơ bản, cần thiết trong học tập, sinh hoạt.

* Mục tiêu cấp trung học cơ sở

- Giúp học sinh có hiểu biết về những chuẩn mực đạo đức, pháp luật cơ bản và giá trị, ý nghĩa của các chuẩn mực đó; tự hào về truyền thống gia đình, quê hương, dân tộc; tôn trọng, khoan dung, quan tâm, giúp đỡ người khác; tự giác, tích cực học tập và lao động; có thái độ đúng đắn, rõ ràng trước các hiện tượng, sự kiện trong đời sống; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường, xã hội, công việc và môi trường sống.

- Giúp học sinh có tri thức phổ thông, cơ bản về đạo đức, kĩ năng sống, kinh tế, pháp luật; đánh giá được thái độ, hành vi của bản thân và người khác; tự điều chỉnh và nhắc nhở, giúp đỡ bạn bè, người thân điều chỉnh thái độ, hành vi theo chuẩn mực đạo đức, pháp luật; thực hiện được các công việc để đạt mục tiêu, kế hoạch hoàn thiện, phát triển bản thân; biết cách thiết lập, duy trì mối quan hệ hoà hợp với những người xung quanh, thích ứng với xã hội biến đổi và giải quyết các vấn đề đơn giản trong đời sống của cá nhân, cộng đồng phù hợp với giá trị văn hoá, chuẩn mực đạo đức, quy tắc của cộng đồng, quy định của pháp luật và lứa tuổi.

* Mục tiêu cấp trung học phổ thông

- Giúp học sinh tiếp tục phát triển các phẩm chất đã được hình thành, phát triển ở cấp trung học cơ sở:

+ Có hiểu biết và tình cảm, niềm tin về những giá trị đạo đức của dân tộc và thời đại, đường lối phát triển đất nước của Đảng và quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân;

+ Tích cực, tự giác học tập và tham gia lao động, sản xuất phù hợp với khả năng của bản thân;

+ Có trách nhiệm công dân trong thực hiện đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước để góp phần bảo vệ, xây dựng Tổ quốc;

+ Tôn trọng quyền, nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật;

+ Nhận thức, hành động theo lẽ phải và sẵn sàng đấu tranh bảo vệ lẽ phải, chống các hành vi, hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

- Giúp học sinh củng cố, nâng cao các năng lực đã được hình thành, phát triển ở cấp trung học cơ sở:

+ Phân tích, đánh giá được thái độ, hành vi của bản thân và người khác;

+ Tự điều chỉnh và nhắc nhở, giúp đỡ người khác điều chỉnh thái độ, hành vi theo chuẩn mực đạo đức, pháp luật;

+ Lập được mục tiêu, kế hoạch hoàn thiện, phát triển bản thân và thực hiện được các công việc học tập, rèn luyện để đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra;

+ Có kiến thức phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật;

+ Vận dụng được các kiến thức đã học để phân tích, đánh giá, xử lí các hiện tượng, vấn đề, tình huống trong thực tiễn cuộc sống;

+ Có khả năng tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi để thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong các hoạt động kinh tế;

+ Có kĩ năng sống, bản lĩnh để tiếp tục học tập, làm việc và thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 710

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn