Ký hợp đồng lao động với Doanh nghiệp nước ngoài, NLĐ có được tham gia bảo hiểm tại Việt Nam? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Tương tự, tại khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế 2008 cũng nêu rõ người sử dụng lao động bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể và tổ chức khác; tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, Điều 43 Luật Việc làm 2013 cũng đề cập đến trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với Bảo hiểm Thất nghiệp.
Đồng thời, khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH, theo đó việc đóng BHXH thực hiện theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Như vậy, theo quy định nêu trên, tổ chức nước ngoài có hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Tuy nhiên, nếu công ty mẹ không có hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì không thuộc đối tượng đóng BHXH tại Việt Nam. Các khoản bảo hiểm này được trích từ lương của người lao động bởi người sử dụng lao động, và vì công ty mẹ không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam, nên cũng không thể đóng cho cá nhân này.
Theo điểm g khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo quy định này thì người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn phải đóng BHXH tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo điểm g khoản 1 Điều 6 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định:
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Do đó, nếu người đi xuất khẩu lao động đã đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân ở nước tiếp nhận lao động thì không cần phải đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam, nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần.