Bỏ trốn khỏi trại giam khi đang thụ án phạm tội gì?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
09/12/2023 08:45 AM

Xin hỏi trường hợp phạm nhân bỏ trốn khỏi trại giam trong thời gian thụ án tù thì phạm tội gì? - Văn Tuấn (Hà Tĩnh)

Bỏ trốn khỏi trại giam khi đang thụ án phạm tội gì?

Người nào đang thụ án tù mà trốn khỏi trại giam thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử theo quy định tại Điều 386 Bộ luật Hình sự 2015.

Người bị kết án về tội này có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

- Có tổ chức;

- Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải.

Bỏ trốn khỏi trại giam khi đang thụ án phạm tội gì?

Bỏ trốn khỏi trại giam khi đang thụ án phạm tội gì? (Hình từ internet)

Quy định quyền và nghĩa vụ của phạm nhân

Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân được quy định cụ thể tại Điều 27 Luật Thi hành án hình sự 2019 như sau:

(1) Phạm nhân có các quyền sau đây:

- Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân;

- Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án;

- Được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ;

- Được lao động, học tập, học nghề;

- Được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; đối với phạm nhân là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự;

- Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật;

- Được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo; được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

- Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;

- Được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật;

- Được khen thưởng khi có thành tích trong quá trình chấp hành án.

(2) Phạm nhân có các nghĩa vụ sau đây:

- Chấp hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự trong quá trình thi hành án hình sự và các quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ phạm nhân, các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án;

- Chấp hành yêu cầu, mệnh lệnh, hướng dẫn của cán bộ cơ sở giam giữ phạm nhân;

- Lao động, học tập, học nghề theo quy định;

- Phạm nhân làm hư hỏng, làm mất hoặc hủy hoại tài sản của người khác thì phải bồi thường.

(3) Phạm nhân có quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019.

Trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù theo tuần, tháng, quý, 06 tháng, 01 năm. Việc nhận xét, đánh giá phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, dân chủ và bảo đảm tính liên tục.

Căn cứ kết quả thực hiện các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, học tập, lao động cải tạo, kết quả khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra để nhận xét, đánh giá và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân theo một trong các mức tốt, khá, trung bình, kém.

Kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù theo quý, 06 tháng, 01 năm phải bằng văn bản, được lưu hồ sơ phạm nhân. Phạm nhân lập công thì được nâng mức xếp loại chấp hành án phạt tù.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,293

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn