Hệ thống đường sắt Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
27/10/2023 16:31 PM

Hệ thống đường sắt Việt Nam gồm những loại đường sắt nào? Phân loại ga đường sắt như thế nào? – Trúc Uyên (Đà Nẵng)

Hệ thống đường sắt Việt Nam

Hệ thống đường sắt Việt Nam (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hệ thống đường sắt Việt Nam

Theo khoản 1 Điều 10 Luật Đường sắt 2017, hệ thống đường sắt Việt Nam bao gồm đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường sắt chuyên dùng được quy định như sau:

- Đường sắt quốc gia phục vụ nhu cầu vận tải chung của cả nước, từng vùng kinh tế và liên vận quốc tế;

- Đường sắt đô thị phục vụ nhu cầu vận tải hành khách ở đô thị và vùng phụ cận;

- Đường sắt chuyên dùng phục vụ nhu cầu vận tải riêng của tổ chức, cá nhân.

2. Thẩm quyền quyết định công bố, điều chỉnh hệ thống đường sắt Việt Nam

Thẩm quyền quyết định công bố, điều chỉnh hệ thống đường sắt được quy định như sau:

- Đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố, điều chỉnh; đường sắt đô thị có nối ray hoặc chạy chung với đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố, điều chỉnh sau khi thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đường sắt đô thị;

- Đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố, điều chỉnh; trường hợp đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia đi qua địa giới hành chính từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên thì Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố, điều chỉnh sau khi có ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố này.

(Khoản 2 Điều 10 Luật Đường sắt 2017)

3. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt

- Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt bao gồm:

+ Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu bao gồm công trình, hạng mục công trình đường sắt hoặc công trình phụ trợ khác trực tiếp phục vụ công tác chạy tàu, đón tiễn hành khách, xếp dỡ hàng hóa;

+ Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt không trực tiếp liên quan đến chạy tàu là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt không thuộc quy định tại điểm a khoản này.

- Trách nhiệm quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư:

+ Chính phủ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

+ Bộ Giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị;

+ Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt sử dụng, khai thác, bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt khi được Nhà nước giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức, cá nhân tự quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư theo quy định của pháp luật.

- Chính phủ quy định Danh mục tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.

(Điều 11 Luật Đường sắt 2017)

4. Phân loại ga đường sắt

Ga đường sắt được phân loại như sau:

- Ga hành khách để đón, trả khách, thực hiện dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách, tác nghiệp kỹ thuật và kinh doanh dịch vụ thương mại khác;

- Ga hàng hoá để giao, nhận, xếp, dỡ, bảo quản hàng hoá, thực hiện dịch vụ khác liên quan đến vận tải hàng hoá và tác nghiệp kỹ thuật;

- Ga kỹ thuật để thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật phục vụ chạy tàu;

- Ga hỗn hợp có chức năng của 02 hoặc 03 loại ga trên.

(Khoản 1 Điều 16 Luật Đường sắt 2017)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,081

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn