Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư 09/2024/TT-BGTVT Sửa đổi 01:2024 QCVN 43:2012/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trạm dừng nghỉ đường bộ.
Cụ thể, các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ được chia làm 03 nhóm, gồm: Các công trình dịch vụ công (cung cấp dịch vụ miễn phí), các công trình dịch vụ thương mại và các công trình bổ trợ.
(Hiện hành, các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ được chia làm 3 nhóm gồm: Các công trình dịch vụ công; các công trình dịch vụ thương mại và các công trình bổ trợ, trong đó bắt buộc phải có các công trình từ a đến e được quy định tại điểm 2.2.1 của QCVN 43:2012/BGTVT ).
Trong đó:
**Công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí) gồm:
- Bãi đỗ xe;
- Không gian nghỉ ngơi;
- Phòng nghỉ tạm thời cho lái xe;
- Khu vệ sinh;
- Nơi cung cấp thông tin;
- Nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông;
- Nơi trực nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, sơ cứu tai nạn giao thông. (Hiện hành, là nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông)
**Các công trình dịch vụ thương mại của trạm dừng nghỉ gồm có:
- Khu vực phục vụ ăn uống, giải khát;
- Khu vực giới thiệu và bán hàng hóa;
- Trạm cấp nhiên liệu;
- Xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện;
- Nơi rửa xe;
- Phòng ngủ cho lái xe và hành khách lưu trú qua đêm;
- Khu vực lắp đặt trụ sạc điện, thiết bị sạc điện; (Nội dung mới bổ sung)
- Trạm biến áp, trạm phát điện dự phòng. (Nội dung mới bổ sung)
**Công trình bổ trợ (khuyến khích)
- Biểu trưng của địa phương hoặc của trạm dừng nghỉ;
- Nơi sản xuất, chế biến đặc sản của địa phương;
- Nơi sinh hoạt cộng đồng (tổ chức hội chợ, hoạt động văn hóa).
Bên cạnh đó quy định số vị trí đỗ xe tối thiểu có thể bố trí xe ô tô vào sạc điện chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe; việc đầu tư hạ tầng dành để lắp đặt trụ sạc, thiết bị sạc phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư, trong đó:
- Trạm dừng nghỉ loại 1, 2: Bắt buộc có;
- Trạm dừng nghỉ loại 3, 4: Khuyến khích có.
Thông tư 09/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 05/10/2024.