Tổng hợp giải đáp về lương, phụ cấp của giáo viên

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
18/09/2023 14:57 PM

Những vướng mắc, đề xuất về lương, phụ cấp của giáo viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như thế nào?

Tổng hợp giải đáp về lương, phụ cấp của giáo viên

Tổng hợp giải đáp về lương, phụ cấp, chế độ làm việc của giáo viên

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tổng hợp đề xuất của giáo viên về lương, phụ cấp, chế độ làm việc và nội dung trả lời.

Tổng hợp giải đáp về lương, phụ cấp của giáo viên

**Đề xuất 1: Lương, phụ cấp của nhà giáo thấp, dẫn đến tình trạng giáo viên không yên tâm công tác, … kính mong Bộ trưởng có giải pháp nâng cao thu nhập cho đội ngũ đảm bảo cuộc sống!

Trả lời:

Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được hưởng các chính sách bao gồm: lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có), phụ cấp khu vực, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và một số chính sách khác.

Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng một số ưu đãi như: được hưởng phụ cấp ưu đãi với mức cao hơn so với các nhà giáo dạy ở đồng bằng, thành phố; được hưởng thêm một số chế độ phụ cấp, trợ cấp khác như phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ phép hoặc nghỉ tết hàng năm, phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, nước sạch; phụ cấp lưu động, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong những năm gần đây, mặc dù Chính phủ đã quan tâm nâng mức thu nhập cho giáo viên như: Phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề, mở rộng tiêu chuẩn, tiêu chí nâng lương trước thời hạn cho giáo viên, nhân viên,... Tuy nhiên, so với biến động về giá cả hàng hóa và tình hình kinh tế xã hội hiện nay thì thu nhập của giáo viên vẫn đang ở mức thấp.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất với Bộ Nội vụ xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo (Luật Giáo dục 2019). Theo đó, giáo viên mầm non mới được tuyển dụng sẽ được xếp ở hệ số lương khởi điểm 2,10, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở xếp ở hệ số lương khởi điểm là 2,34. Việc xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo đã giúp cho giáo viên mới ra trường cải thiện một phần thu nhập. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các Bộ/Ngành liên quan đề xuất chính sách tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng theo tinh thần của Nghị quyết 27.

**Đề xuất 2: Hiện nay, các vị trí nhân viên trường học (văn thư, thư viện, thiết bị, thí nghiệm, y tế trường học, kế toán,...) tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập có thu nhập quá thấp so mặt bằng chung. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có chính sách tăng lương, phụ cấp cho nhân viên trường học.

Trả lời:

Hiện tại, các vị trí việc làm như viên chức giáo vụ, thiết bị thí nghiệm, nhân viên thư viện, văn thư, y tế trường học, kế toán… trong trường học được hưởng lương theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Những đối tượng này đều không được hưởng phụ cấp ưu đãi như giáo viên, mà chỉ hưởng lương, phụ cấp như các viên chức trong các ngành, lĩnh vực khác nên thu nhập rất thấp. Về việc này, Bộ trưởng cũng đang rất trăn trở và thấu hiểu với đội ngũ, tuy nhiên, đây cũng là thực trạng chung trong tổng thể của chính sách tiền lương quốc gia hiện nay.

Trong thời gian tới, khi xây dựng chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm kiến nghị, đề xuất chế độ chính sách cho đội ngũ viên chức trong nhà trường, bảo đảm mức lương mới phù hợp với vị trí việc làm, tương xứng với tính chất, mức độ phức tạp của nhiệm vụ được giao; đáp ứng phần nào mong mỏi của các thầy cô giáo, nhân viên trong Ngành.

**Đề xuất 3: Đề nghị có chế độ trông trưa; làm việc ngoài giờ; hỗ trợ GVMN dạy điểm trường lẻ, dạy tăng cường tiếng Việt.

Trả lời:

Hiện tại, chế độ làm việc của giáo viên mầm non thực hiện theo quy định tại Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.

Bên cạnh đó, chính sách đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số thực hiện theo quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (Điều 7). Đồng thời, khoản 3 Điều 4 Nghị định 105/2020/NĐ-CP cũng quy định về việc hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/03/2013 hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, đối với đơn vị đang thiếu số lượng giáo viên theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền hoặc đơn vị có giáo viên nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí giáo viên khác dạy thay thì thời gian giáo viên mầm non dạy thêm giờ so với định mức quy địnhđược tính để thanh toán tiền lương dạy thêm giờ.

Ngoài ra, nhiều địa phương đã ban hành chính sách đặc thù riêng hỗ trợ thêm cho giáo viên mầm non để giúp giáo viên có mức thu nhập tương xứng hơn với thời gian lao động thực tế. Đồng thời, ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, việc xã hội hóa giáo dục mầm non đã được triển khai trên cơ sở thỏa thuận với cha, mẹ trẻ để chi trả tiền ăn bán trú, giữ trẻ ngày thứ bảy, học ngoài giờ chính khóa…

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu, điều chỉnh Chương trình giáo dục mầm non. Sau khi Chương trình giáo dục mầm non được điều chỉnh và ban hành chính thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những đánh giá tổng thể để có những đề xuất, điều chỉnh các quy định về chế độ, chính sách có liên quan đến giáo viên mầm non để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ. Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị giáo viên có kiến nghị trực tiếp với địa phương để có thêm chính sách đặc thù hỗ trợ cho giáo viên mầm non.

**Đề xuất 4: Có nhiều thông tin báo chí đưa tin, Bộ giáo dục đã thống nhất với Bộ nội vụ về việc sẽ tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non thêm 10% và giáo viên tiểu học là 5% từ năm 2023. Vậy chính sách này có được thực thi hay không, và thời gian bắt đầu đc hưởng là khi nào.

Trả lời:

Thời gian gần đây, trong quá trình địa phương thực hiện việc chi trả phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc do việc sửa đổi, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc phân chia các khu vực hành chính.

Bên cạnh đó, theo thống kê, tổng thu nhập (bao gồm tiền lương và các phụ cấp) của giáo viên mầm non, tiểu học chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đảm bảo mức sống cho giáo viên và đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội. Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên bỏ nghề, chuyển việc, bỏ việc, thiếu nguồn tuyển, không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.

Trên tinh thần kế thừa những quy định đã có và đang phù hợp, Bộ GDĐT đang đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học để phù hợp với đặc thù của ngành học, cấp học; phù hợp với quy định về trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết 27 ngày 21/5/2018 và bảo đảm tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Theo đó, Bộ GDĐT đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học với mức tăng từ 5-10% nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ nhà giáo thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non và giảng dạy, giáo dục học sinh tiểu học.

Đến thời điểm này, Bộ GDĐT đã nhận được sự đồng thuận của các Bộ, ngành liên quan. Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiến hành quy trình xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ quy định về nội dung này.

**Đề xuất 5: Đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của GV như trước đây (nam 60, nữ 55), nhất là đối với GV MN.

Trả lời:

Giáo viên mầm non thực hiện việc việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.

Lao động của người giáo viên mầm non có những đặc thù riêng biệt, mang trách nhiệm của người thiết kế và tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, đặt nền móng vững chắc để hình thành và phát triển nhân cách cho con người sau này. Đối tượng mà giáo dục mầm non hướng tới là trẻ nhỏ, lứa tuổi còn rất non nớt và đang trong giai đoạn phát triển với tốc độ nhanh. Giáo viên mầm non chịu nhiều khó khăn, áp lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Bộ luật Lao động đã quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hưu; những người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định.

Trong thời gian qua, Bộ GDĐT đã nhận được ý kiến của nhiều địa phương, của cử tri cũng như Đại biểu Quốc hội đề nghị giáo viên mầm non cần được nghỉ hưu sớm hơn quy định hiện nay do đặc thù nghề nghiệp.

Năm 2020, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức thăm dò ý kiến của cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trực tiếp giảng dạy. Kết quả, có tới 96% người chọn tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi, chỉ có 4% chọn tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi. Như vậy, việc đề xuất cho giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm là xuất phát từ nhu cầu chính đáng của giáo viên mầm non, nhu cầu được nghỉ ngơi sau nhiều năm cống hiến cho giáo dục mầm non.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, xây dựng Thông tư ban hành Danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Trên cơ sở đặc thù của ngành học mầm non, Bộ GDĐT đã có ý kiến đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung vào danh mục đối với giáo viên mầm non. Nếu được bổ sung vào danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì có căn cứ để đề xuất tuổi nghỉ hưu sớm đối với giáo viên mầm non.

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,982

Bài viết về

Tiền lương giáo viên

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn