Người chỉ huy tàu bay là ai? Quyền và nghĩa vụ của người chỉ huy tàu bay

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
14/09/2023 10:00 AM

Người chỉ huy tàu bay là ai? Quyền và nghĩa vụ của người chỉ huy tàu bay được quy định như thế nào? - Bình Minh (Tây Ninh)

Người chỉ huy tàu bay là ai? Quyền và nghĩa vụ của người chỉ huy tàu bay

Người chỉ huy tàu bay là ai? Quyền và nghĩa vụ của người chỉ huy tàu bay (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Người chỉ huy tàu bay là ai?

Theo Điều 74 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 thì người chỉ huy tàu bay là thành viên tổ lái được người khai thác tàu bay chỉ định cho một chuyến bay; đối với hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại thì do chủ sở hữu tàu bay chỉ định.

Người chỉ huy tàu bay có quyền cao nhất trong tàu bay, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không cho tàu bay, người và tài sản trong tàu bay trong thời gian tàu bay đang bay.

Tàu bay được coi là đang bay kể từ thời điểm mà tất cả các cánh cửa ngoài được đóng lại sau khi hoàn thành xếp tải đến thời điểm mà bất kỳ cửa ngoài nào được mở ra để dỡ tải; trong trường hợp hạ cánh bắt buộc, tàu bay được coi là đang bay cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm nhận trách nhiệm đối với tàu bay, người và tài sản trong tàu bay.

2. Quyền của người chỉ huy tàu bay

Theo Điều 75 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định về quyền của người chỉ huy tàu bay như sau:

- Quyết định và chịu trách nhiệm về việc cất cánh, hạ cánh, huỷ bỏ chuyến bay, quay trở lại nơi cất cánh hoặc hạ cánh khẩn cấp.

- Không thực hiện nhiệm vụ chuyến bay, kế hoạch bay hoặc chỉ dẫn của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu trong trường hợp cần tránh nguy hiểm tức thời, trực tiếp cho hoạt động hàng không và phải báo cáo ngay với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu.

Trong trường hợp vì tránh nguy hiểm tức thời, trực tiếp mà phải bay chệch đường hàng không thì sau khi hết nguy hiểm, người chỉ huy tàu bay và cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu phải nhanh chóng áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đưa tàu bay về đường hàng không.

- Trong thời gian tàu bay đang bay, được áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với những người thực hiện một trong các hành vi sau đây trong tàu bay:

+ Phạm tội;

+ Đe doạ, uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không;

+ Hành hung hoặc đe dọa thành viên tổ bay, hành khách;

+ Không tuân theo sự hướng dẫn của người chỉ huy tàu bay hoặc của thành viên tổ bay thay mặt người chỉ huy tàu bay về việc bảo đảm an toàn cho tàu bay, duy trì trật tự, kỷ luật trong tàu bay;

+ Phá hoại thiết bị, tài sản trong tàu bay;

+ Sử dụng ma tuý;

+ Hút thuốc trong buồng vệ sinh hoặc ở những nơi không được phép có khả năng uy hiếp an toàn của tàu bay;

+ Sử dụng thiết bị điện tử xách tay, điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử khác khi tàu bay cất cánh, hạ cánh hoặc khi bị cấm vì an toàn chuyến bay;

+ Các hành vi vi phạm thuần phong, mỹ tục của dân tộc, vi phạm trật tự công cộng khác.

- Giao những người thực hiện các hành vi quy định tại khoản 3 Điều 75 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tàu bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay gần nhất.

- Quyết định việc xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay theo quy định tại Điều 88 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006.

- Ra mệnh lệnh cần thiết đối với mọi người trong tàu bay và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm nhận trách nhiệm đối với tàu bay, người và tài sản trong tàu bay trong trường hợp hạ cánh bắt buộc.

- Thực hiện các công việc sau đây trong trường hợp không nhận được chỉ thị hoặc chỉ thị không rõ ràng của người khai thác tàu bay và phải thông báo ngay cho người khai thác tàu bay:

+ Thanh toán những khoản chi phí cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của chuyến bay, bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong chuyến bay;

+ Thực hiện những công việc cần thiết để tàu bay tiếp tục chuyến bay;

+ Thuê nhân công trong thời hạn ngắn theo từng vụ việc cần thiết cho chuyến bay.

3. Nghĩa vụ của người chỉ huy tàu bay

Nghĩa vụ của người chỉ huy tàu bay theo Điều 76 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 như sau:

- Thi hành chỉ thị của người khai thác tàu bay.

- Áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho tàu bay, người và tài sản trong tàu bay khi tàu bay bị lâm nguy, lâm nạn và là người cuối cùng rời khỏi tàu bay.

- Thông báo cho cơ sở đang cung cấp dịch vụ không lưu và trợ giúp theo khả năng nhưng không gây nguy hiểm cho tàu bay, người và tài sản trong tàu bay của mình khi phát hiện người, phương tiện giao thông hoặc tài sản khác bị nạn ở ngoài tàu bay.

- Áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đưa tàu bay về đường hàng không trong trường hợp bay chệch đường hàng không.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,364

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn