Tổng hợp 14 trường hợp không được viết tắt

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
02/06/2023 16:03 PM

Cho tôi hỏi theo quy định hiện nay thì những trường hợp nào không được viết tắt? – Ngọc Hoa (Thái Bình)

Tổng hợp 14 trường hợp không được viết tắt (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Tổng hợp 14 trường hợp không được viết tắt

(1) Sổ kế toán dùng cho UBND cấp xã không được viết tắt

Cụ thể quy định tại điểm a khoản 6 Điều 5 Thông tư 70/2019/TT-BTC:

Điều 5. Quy định về sổ kế toán

6. Ghi sổ kế toán

a) Việc ghi sổ kế toán phải căn cứ vào chứng từ kế toán, mọi số liệu ghi trên sổ kế toán phải có chứng từ kế toán chứng minh; phải đảm bảo số và chữ rõ ràng, liên tục có hệ thống, không được viết tắt, không ghi chồng đè, không được bỏ cách dòng.

(2) Số kế toán trong đơn vị hành chính sự nghiệp không được viết tắt

Cụ thể quy định tại điểm a khoản 6 Điều 5 Thông tư 107/2017/TT-BTC:

Điều 5. Quy định về sổ kế toán

6. Ghi sổ kế toán

a) Việc ghi sổ kế toán phải căn cứ vào chứng từ kế toán, mọi số liệu ghi trên sổ kế toán phải có chứng từ kế toán chứng minh; phải đảm bảo số và chữ rõ ràng, liên tục có hệ thống, không được viết tắt, không ghi chồng đè, không được bỏ cách dòng.

(3) Chứng từ kế toán đối với các khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương không được viết tắt

Cụ thể quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Thông tư 99/2021/TT-BTC:

Điều 14. Lập chứng từ kế toán

2. Yêu cầu đối với việc lập chứng từ kế toán

b) Về ghi số tiền bằng số và bằng chữ trên chứng từ: Số tiền viết bằng chữ phải khớp đúng với số tiền viết bằng số; số tiền tổng số phải bằng tổng các số tiền chi tiết cộng lại; chữ cái đầu tiên phải viết bằng chữ in hoa, những chữ còn lại không được viết bằng chữ in hoa; phải viết sát đầu dòng, chữ viết và chữ số phải viết liên tục không để cách quãng, ghi hết dòng mới xuống dòng khác không được viết tắt, không viết chèn dòng, không viết đè lên chữ in sẵn; chỗ trống phải gạch chéo để không thể sửa chữa, thêm số hoặc thêm chữ.

(4) Chứng từ kế toán Ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước không được viết tắt

Cụ thể quy định tại điểm b khoản 3 Điều 22 Thông tư 77/2017/TT-BTC:

Điều 22. Lập chứng từ kế toán

3. Yêu cầu đối với việc lập chứng từ kế toán

b) Về ghi số tiền bằng số và bằng chữ trên chứng từ: Số tiền viết bằng chữ phải khớp đúng với số tiền viết bằng số; tổng số tiền phải khớp đúng với tổng các số tiền chi tiết; chữ cái đầu tiên phải viết bằng chữ in hoa, những chữ còn lại không được viết bằng chữ in hoa; phải viết sát đầu dòng, chữ viết và chữ số phải viết liên tục không để cách quãng, ghi hết dòng mới xuống dòng khác, không được viết tắt, không viết chèn dòng, không viết đè lên chữ in sẵn; chỗ trống phải gạch chéo để không thể sửa chữa, thêm số hoặc thêm chữ. Chứng từ bị tẩy xoá, sửa chữa đều không có giá trị thanh toán và ghi sổ kế toán. Khi viết sai vào mẫu chứng từ in sẵn thì phải hủy bỏ bằng cách gạch chéo chứng từ viết sai.

(5) Chứng từ kế toán nghiệp vụ thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu không được viết tắt

Cụ thể quy định tại điểm b khoản 3 Điều 19 Thông tư 77/2017/TT-BTC, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 112/2018/TT-BTC:

Điều 19. Lập, ký và lưu giữ chứng từ kế toán

3. Ghi chép trên chứng từ kế toán

b) Chữ viết trên chứng từ phải liên tục, không ngắt quãng, không được viết tắt, không được tẩy xóa, sửa chữa; khi viết phải dùng bút bi hoặc bút mực; không viết bằng mực đỏ, bằng bút chì;

(6) Chứng từ kế toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa không được viết tắt

Cụ thể quy định tại khoản 3 Điều 85 Thông tư 133/2016/TT-BTC:

Điều 85. Lập và ký chứng từ kế toán

3. Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính trên chứng từ kế toán không được viết tắt, không được tẩy xóa, sửa chữa; khi viết phải dùng bút mực, số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, chỗ trống phải gạch chéo. Chứng từ bị tẩy xóa, sửa chữa không có giá trị thanh toán và ghi sổ kế toán. Khi viết sai chứng từ kế toán thì phải hủy bỏ bằng cách gạch chéo vào chứng từ viết sai.

(7) Chứng từ kế toán của đơn vị chủ thầu không được viết tắt

Cụ thể quy định tại khoản 3 Điều 17 và khoản 6 Mục I Điều 18 Thông tư 195/2012/TT-BTC.

(8) Chứng từ kế toán của doanh nghiệp không được viết tắt

Cụ thể quy định tại khoản 1 Điều 118 Thông tư 200/2014/TT-BTC:

Điều 118. Lập và ký chứng từ kế toán

 

1. Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp đều phải lập chứng từ kế toán. Chứng từ kế toán chỉ lập 1 lần cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh. Nội dung chứng từ kế toán phải đầy đủ các chỉ tiêu, phải rõ ràng, trung thực với nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh. Chữ viết trên chứng từ phải rõ ràng, không tẩy xoá, không viết tắt. Số tiền viết bằng chữ phải khớp, đúng với số tiền viết bằng số.

(9) Chứng từ kế toán áp dụng đối với quỹ mở không được viết tắt

Cụ thể quy định tại mục 1.3 Phần thứ nhất Thông tư 198/2012/TT-BTC.

(10) Chứng từ kế toán của công ty chứng khoán không được viết tắt

Cụ thể quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 210/2014/TT-BTC:

Điều 5. Lập chứng từ kế toán

1. Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động của Công ty chứng khoán đều phải lập chứng từ kế toán. Chứng từ kế toán chỉ lập một lần cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh. Nội dung chứng từ kế toán phải đầy đủ các chỉ tiêu, phải rõ ràng, trung thực với nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh. Chữ viết trên chứng từ phải rõ ràng, không tẩy xóa, không viết tắt. Số tiền viết bằng chữ phải khớp, đúng với số tiền viết bằng số.

(11) Chứng từ kế toán áp dụng đối với quỹ tích lũy trả nợ không được viết tắt

Cụ thể quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 109/2018/TT-BTC:

Điều 12. Lập chứng từ kế toán

3. Chữ viết trên chứng từ phải rõ ràng, không tẩy xoá, không viết tắt;

(12) Di chúc không được viết tắt

Cụ thể quy định tại khoản 3 Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 631. Nội dung của di chúc

3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

(13) Chữ viết trong văn bản công chứng không được viết tắt

Cụ thể quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Công chứng 2014:

Điều 45. Chữ viết trong văn bản công chứng

 

1. Chữ viết trong văn bản công chứng phải rõ ràng, dễ đọc, không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, không được viết xen dòng, viết đè dòng, không được tẩy xoá, không được để trống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

(14) Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa trên nhãn hàng hóa không được viết tắt

Cụ thể quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP.

Điều 15. Xuất xứ hàng hóa

4. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.

Trên đây là tổng hợp 14 trường hợp không được viết tắt.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,656

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn