Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ với cơ sở giáo dục đại học

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
01/06/2023 10:00 AM

Cho tôi hỏi về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ với cơ sở giáo dục đại học thế nào? - Đình Thi (TPHCM)

Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ với cơ sở giáo dục đại học

Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ với cơ sở giáo dục đại học (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Điều kiện chung khi mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ với cơ sở giáo dục đại học

Điều kiện chung khi mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ với cơ sở giáo dục đại học theo Điều 3 Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT như sau:

* Về ngành đào tạo và trình độ đào tạo dự kiến mở:

- Phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước và của lĩnh vực đào tạo bảo đảm hội nhập quốc tế; bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đã được phê duyệt và công bố của các bộ, ngành, địa phương hoặc báo cáo chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có), phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và chiến lược phát triển của cơ sở đào tạo;

- Có trong Danh mục thống kê ngành đào tạo (trừ trường hợp có quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ); việc đề xuất bổ sung ngành mới vào Danh mục thống kê ngành đào tạo thực hiện theo Thông tư quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học.

* Về đội ngũ giảng viên:

- Có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng để tổ chức thực hiện chương trình đào tạo (bao gồm giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng), đáp ứng yêu cầu đội ngũ giảng viên theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo của trình độ đào tạo, lĩnh vực, nhóm ngành và ngành đào tạo, trong đó:

Giảng viên thỉnh giảng (tính theo từng năm học) chỉ đảm nhận tối đa 30% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo; các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật (quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT), giảng viên thỉnh giảng có thể đảm nhận tối đa 40% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo;

- Đối với các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao (theo quy định tại Danh mục thống kê ngành đào tạo), ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT và các quy định sau:

+ Giảng viên có danh hiệu là Nghệ sĩ Nhân dân hoặc Nghệ nhân Nhân dân hoặc Nhà giáo Nhân dân do Nhà nước trao tặng, đồng thời có bằng thạc sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có bằng tiến sĩ và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo (đối với mở ngành đào tạo trình độ đại học); 

Hoặc đồng thời có bằng tiến sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có chức danh phó giáo sư và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo;

+ Riêng ngành đào tạo ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, giảng viên là người dân tộc thiểu số hoặc người có hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số phù hợp với ngôn ngữ văn hóa dân tộc thiểu số của ngành đào tạo dự kiến mở;

Đồng thời có bằng thạc sĩ có thể thay cho giảng viên có bằng tiến sĩ và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo (đối với mở ngành đào tạo trình độ đại học); 

Hoặc đồng thời có bằng tiến sĩ có thể thay cho giảng viên có chức danh phó giáo sư và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo.

+ Đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe (theo quy định tại Danh mục thống kê ngành đào tạo), giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đã;

Hoặc đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ theo quy định của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.

* Về cơ sở vật chất:

- Có cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu theo yêu cầu của chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất theo quy định của chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo và các quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT;

- Có đủ phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, cơ sở sản xuất thử nghiệm, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống quản lý hỗ trợ học tập, quản lý đào tạo cùng các thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của chương trình đào tạo, phù hợp với quy mô đào tạo ở từng trình độ đào tạo;

Phải có kế hoạch sử dụng phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành với diện tích và các thiết bị cụ thể của từng phòng thí nghiệm, thực hành phù hợp với số lượng sinh viên thực hành, thí nghiệm tại mỗi bàn và mỗi thiết bị trong mỗi phòng thí nghiệm, phòng thực hành, phù hợp với quy mô đào tạo theo yêu cầu của chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học;

- Có hợp đồng hợp tác đào tạo thực hành, thực tập với các cơ sở thực hành, thực tập bên ngoài nhà trường phù hợp với kế hoạch giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học cho toàn khóa học; 

Các cơ sở thực hành đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khoẻ phải có hợp đồng nguyên tắc về đào tạo thực hành bảo đảm tuân thủ theo quy định của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe;

- Có thư viện truyền thống và thư viện điện tử bảo đảm đủ giáo trình, tài liệu hỗ trợ giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên và người học; có bản quyền truy cập cơ sở dữ liệu trong nước về sách, tạp chí khoa học liên quan đến ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu của ngành và trình độ đào tạo, phù hợp với quy mô đào tạo; 

Từ năm học 2023 - 2024 trở đi, yêu cầu bắt buộc cơ sở đào tạo phải có bản quyền truy cập cơ sở dữ liệu quốc tế về sách, tạp chí khoa học liên quan đến ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu của ngành và trình độ đào tạo, phù hợp với quy mô đào tạo;

- Có trang thông tin điện tử đăng tải đầy đủ thông tin yêu cầu phải công khai theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

* Chương trình đào tạo của ngành đề xuất mở được xây dựng, thẩm định và ban hành bảo đảm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo và phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

* Cơ sở đào tạo đã có đơn vị chuyên môn cấp khoa hoặc tương đương để quản lý các hoạt động chuyên môn, giảng viên, người học và các nhiệm vụ quản lý khác đối với ngành đào tạo dự kiến mở.

* Cơ sở đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện tối thiểu theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định.

* Hội đồng trường đã có nghị quyết thông qua chủ trương mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo. Trong trường hợp cơ sở đào tạo chưa có hội đồng trường phải có văn bản phê duyệt chủ trương mở ngành đào tạo của cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở đào tạo.

2. Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ với cơ sở giáo dục đại học

Theo Điều 5 Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định cơ sở đào tạo mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ phải đáp ứng các điều kiện chung để mở ngành theo quy định tại mục 1 và các điều kiện sau đây cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo:

(1) Có ít nhất 05 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu);

Trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

(2) Bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo, trong đó có giảng viên cơ hữu với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy đối với từng môn học, học phần trong chương trình đào tạo.

(3) Bảo đảm về số lượng và tiêu chuẩn của người hướng dẫn luận văn theo quy định tại quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(4) Đã đào tạo và cấp bằng trình độ đại học ngành tương ứng, hoặc ngành phù hợp trong trường hợp ngành đào tạo ở trình độ đại học chưa có trong Danh mục thống kê ngành đào tạo.

(5) Cơ sở đào tạo không đáp ứng được điều kiện quy định tại (4) mục này phải thuyết minh sự đáp ứng vượt trội về các điều kiện khác so với quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT và so với các cơ sở đào tạo trong nước, bao gồm: 

- Đội ngũ giảng viên (số lượng, trình độ, uy tín chuyên môn); 

- Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu; 

- Năng lực và kết quả nghiên cứu khoa học; 

- Hợp tác quốc tế; 

- Số ngành đào tạo và số người học đã được cấp bằng tốt nghiệp thạc sĩ của cơ sở đào tạo; 

- Ngành đào tạo dự kiến mở thuộc lĩnh vực ưu tiên hoặc có nhu cầu cấp thiết đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo xác minh, kiểm tra thực tế và xem xét, quyết định mở ngành trong trường hợp này.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,256

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn