Trình tự tổ chức thực hiện cứu hộ trên đường cao tốc

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
20/05/2023 11:30 AM

Việc tổ chức thực hiện trên đường cao tốc được thực hiện theo trình tự nào? – Bảo Trân (Thái Bình)

Trình tự tổ chức thực hiện cứu hộ trên đường cao tốc

Trình tự tổ chức thực hiện cứu hộ trên đường cao tốc (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Trình tự tổ chức thực hiện cứu hộ trên đường cao tốc

Trình tự tổ chức thực hiện cứu hộ trên đường cao tốc được quy định tại Điều 5 Thông tư 08/2015/TT-BGTVT, cụ thể như sau:

- Ngay sau khi nhận được thông tin đề nghị cứu hộ, đơn vị khai thác, bảo trì xác minh thông tin nếu cần thiết, trực tiếp tổ chức thực hiện cứu hộ hoặc gửi yêu cầu cứu hộ đến đơn vị cứu hộ.

Yêu cầu cứu hộ bao gồm các nội dung:

+ Vị trí: lý trình, điểm vào đường cao tốc và hướng đi đến;

+ Đối tượng cứu hộ: số lượng, trọng lượng và loại hàng hóa; số lượng, loại và tình trạng phương tiện cần cứu hộ; số lượng người cần hỗ trợ cứu hộ;

+ Thời gian có mặt tại hiện trường và thời gian dự kiến hoàn thành cứu hộ;

+ Địa điểm tập kết của từng đối tượng cứu hộ.

- Đơn vị khai thác, bảo trì phải điều động lực lượng đến ngay hiện trường phối hợp thực hiện việc sơ cấp cứu ban đầu, phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ hiện trường, điều tiết giao thông phạm vi hiện trường cứu hộ theo quy định trong suốt thời gian thực hiện cứu hộ.

- Thứ tự thực hiện cứu hộ:

+ Hỗ trợ di chuyển người cần cứu hộ đến địa điểm tập kết;

+ Cứu hộ hàng hóa trên phương tiện:

Cứu hộ hàng hóa trên phương tiện được thực hiện theo trình tự: tháo dỡ hàng hóa ra khỏi phương tiện cần cứu hộ, đưa vào vị trí tập kết tạm thời (trong phạm vi được cảnh báo); che phủ, bảo vệ hàng hóa nếu cần thiết; bốc xếp hàng hóa lên phương tiện cứu hộ; vận chuyển hàng hóa đến địa điểm tập kết; xếp hàng hóa tại địa điểm tập kết. Việc bốc dỡ, vận chuyển và xếp hàng hóa tuân thủ theo quy định của pháp luật;

+ Cứu hộ phương tiện:

Thực hiện cứu hộ phương tiện đến địa điểm tập kết theo quy định của Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Chỉ được lưu thông trên làn đường sát làn dừng khẩn cấp;

+ Bàn giao kết quả cứu hộ và di chuyển phương tiện cứu hộ ra khỏi đường cao tốc;

+ Xác nhận kết quả thực hiện cứu hộ;

+ Xác định mức độ, giá trị thiệt hại công trình đường cao tốc do phương tiện được cứu hộ gây ra;

+ Dọn dẹp, vệ sinh hiện trường sau cứu hộ.

- Trường hợp cần thiết, đơn vị khai thác, bảo trì đường cao tốc được phép huy động phương tiện phù hợp đang lưu hành trên đường cao tốc để vận chuyển người cần hỗ trợ cứu hộ về địa điểm tập kết khi điều kiện cho phép và phải đảm bảo an toàn giao thông. Khối lượng cứu hộ này không tính vào khối lượng cứu hộ do đơn vị cứu hộ thực hiện.

2. Nội dung phương án cứu hộ trên đường cao tốc

- Phương án cứu hộ là một bộ phận trong phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc được người có thẩm quyền phê duyệt.

- Nội dung phương án cứu hộ bao gồm:

+ Tình huống cần cứu hộ thường xảy ra: vị trí, số lượng và tình trạng đối tượng cần cứu hộ;

+ Địa điểm tập kết đối tượng cứu hộ trên tuyến;

+ Thông tin về phương tiện, hành trình và thời gian cứu hộ: số lượng, chủng loại phương tiện và công suất phương tiện cứu hộ huy động, địa chỉ phương tiện cứu hộ xuất phát, đường đi đến hiện trường, các hỗ trợ từ đơn vị khai thác bảo trì, thời gian tiếp cận hiện trường, thời gian thực hiện cứu hộ, đường đi trong và sau khi cứu hộ ứng với từng vị trí, đoạn tuyến tiếp cận để thực hiện cứu hộ.

(Điều 3 Thông tư 08/2015/TT-BGTVT)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 981

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn