Khi nào mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
08/05/2023 11:00 AM

Khi nào mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội? Và thủ tục mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội thế nào? - Bình Ngọc (Tiền Giang)

Khi nào mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội?

Khi nào mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, Thư viện pháp luật giải đáp như sau:

1. Nhà ở thương mại và nhà ở xã hội là gì?

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 thì nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường.

Theo khoản 7 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 thì nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định.

2. Khi nào mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội?

Theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định trường hợp trên địa bàn chưa có đủ quỹ nhà ở xã hội mà có nhà ở thương mại được xây dựng theo dự án, bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật về xây dựng, phù hợp với loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào quy định tại mục 3 có thể mua nhà ở này để làm nhà ở xã hội.

3. Quy định về mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội

Quy định về mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP) như sau:

- Trường hợp sử dụng nguồn vốn đầu tư công để mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư công;

- Nội dung dự án mua nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội bao gồm:

+ Vị trí, địa điểm;

+ Loại nhà, số lượng nhà ở, diện tích sử dụng của mỗi loại nhà ở;

+ Giá mua bán nhà ở, các chi phí có liên quan;

+ Nguồn vốn mua nhà ở;

+ Phương thức thanh toán tiền mua nhà ở;

+ Cơ quan ký hợp đồng mua bán nhà ở;

+ Cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà ở sau khi mua;

+ Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong thực hiện dự án.

4. Thủ tục mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội

Thủ tục mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 100/2015/NĐ-CP như sau:

- Căn cứ vào nội dung của dự án đã được phê duyệt, cơ quan được giao làm chủ đầu tư dự án thực hiện ký hợp đồng mua bán nhà ở với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại; việc ký kết hợp đồng mua bán nhà ở được thực hiện theo quy định về mua bán nhà ở thương mại;

- Căn cứ vào hợp đồng mua bán nhà ở đã ký kết, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có trách nhiệm bàn giao nhà ở và cung cấp các hồ sơ pháp lý liên quan đến nhà ở mua bán cho bên mua;

- Sau khi nhận bàn giao nhà ở, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thực hiện quản lý theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;

- Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) cho bên mua nhà ở; 

Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho các cơ quan quy định được thực hiện theo pháp luật về đất đai.

5. Quy định về huy động vốn phát triển nhà ở xã hội

Quy định về huy động vốn phát triển nhà ở xã hội theo Điều 10 Nghị định 100/2015/NĐ-CP như sau:

- Nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư được huy động từ các nguồn sau đây:

+ Vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách trung ương; vốn trái phiếu Chính phủ (nếu có); quỹ phát triển nhà ở của địa phương (nếu có), quỹ của Bộ Quốc phòng được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (nếu có);

Ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, công trái nhà ở; huy động từ các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

+ Vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và các nguồn vốn khác vay của nước ngoài (nếu có).

- Nguồn vốn ngoài ngân sách do các thành phần kinh tế (bao gồm cả hộ gia đình, cá nhân) tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội huy động, gồm:

+ Vốn tự có của chủ đầu tư dự án hoặc của hộ gia đình, cá nhân;

+ Vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc từ các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định theo quy định tại Chương III Nghị định 100/2015/NĐ-CP;

+ Phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu của doanh nghiệp đầu tư;

+ Vay vốn thương mại của các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;

+ Vay từ Quỹ phát triển nhà ở của địa phương (nếu có), quỹ của Bộ Quốc phòng được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (nếu có);

+ Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,541

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn