Các hình thức kỷ luật Đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
24/02/2023 14:56 PM

Khi nào đoàn viên bị xóa tên khỏi danh sách đoàn viên? Các hình thức kỷ luật đoàn viên hiện nay là gì? - Quốc Đan (Gia Lai)

Các hình thức kỷ luật Đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Các hình thức kỷ luật Đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nguyên tắc kỷ luật Đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Căn cứ Điều 32 Điều lệ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, việc kỷ luật Đoàn phải đảm bảo:

- Việc thi hành kỷ luật của Đoàn nhằm thống nhất ý chí và hành động, bảo đảm kỷ cương của Đoàn và giáo dục cán bộ, đoàn viên.

- Cơ quan lãnh đạo của Đoàn và cán bộ, đoàn viên khi vi phạm kỷ luật phải được xử lý công minh, chính xác, kịp thời và được thông báo công khai.

- Việc biểu quyết hình thức kỷ luật đối với cơ quan lãnh đạo của Đoàn, cán bộ đoàn, đoàn viên phải bằng phiếu kín.

Khoản 23 Hướng dẫn 16-HD/TWĐTN-BTC năm 2018 quy định một số vấn đề chung khi kỷ luật Đoàn, bao gồm:

- Mục đích kỷ luật của Đoàn nhằm giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đoàn. Thi hành kỷ luật để giáo dục cán bộ, đoàn viên vi phạm khuyết điểm sửa chữa sai lầm khuyết điểm đồng thời đảm bảo kỷ luật của Đoàn được nghiêm minh.

- Cán bộ đoàn và đoàn viên đều bình đẳng trước kỷ luật Đoàn, nếu vi phạm khuyết điểm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm đều bị xem xét xử lý.

- Kỷ luật Đoàn không thay thế kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, kỷ luật của các đoàn thể khác hoặc ngược lại.

- Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện cán bộ, đoàn viên vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng thì báo cáo cấp bộ đoàn cùng cấp phối hợp với cơ quan chức năng xem xét, xử lý.

- Khi xem xét xử lý kỷ luật, phải căn cứ kết quả tự phê bình và kết quả thẩm tra xác minh để đảm bảo kết luận khách quan, chính xác, không bỏ sót khuyết điểm. Khi xem xét, xử lý cần làm rõ nguyên nhân sai phạm, động cơ sai phạm và hoàn cảnh sai phạm.

- Cán bộ, đoàn viên có khuyết điểm đang trong quá trình kiểm tra, xem xét, không được rút đơn khỏi danh sách ban chấp hành hoặc xét đơn xin ra Đoàn của cán bộ, đoàn viên đó.

- Trường hợp tại nhiệm kỳ của ban chấp hành, ủy ban kiểm tra khóa cũ chưa kết luận và xử lý kỷ luật, phải chuyển giao hồ sơ để ban chấp hành, ủy ban kiểm tra khóa mới tiếp tục xem xét, kết luận và xử lý.

 

2. Các hình thức kỷ luật Đoàn viên, tổ chức Đoàn

Khoản 2 Điều 32 Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (hướng dẫn bởi điểm 23.2 khoản 23 Hướng dẫn 16-HD/TWĐTN-BTC năm 2018) quy định tùy theo mức độ, tính chất vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đoàn viên và cơ quan lãnh đạo của Đoàn mà áp dụng một trong những hình thức kỷ luật sau:

2.1. Đối với cơ quan lãnh đạo của đoàn

- Khiển trách: Áp dụng đối với cơ quan lãnh đạo của Đoàn vi phạm Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết, các nguyên tắc của Đoàn, chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà tính chất và mức độ không lớn; ảnh hưởng trong phạm vi hẹp.

- Cảnh cáo: Áp dụng đối với cơ quan lãnh đạo của Đoàn vi phạm Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết và các nguyên tắc của tổ chức Đoàn, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước mà tính chất và mức độ lớn, ảnh hưởng trong phạm vi rộng nhưng chưa đến mức phải áp dụng hình thức giải tán hoặc đã bị Đoàn cấp trên kỷ luật khiển trách mà còn tái phạm.

- Giải tán: Áp dụng đối với cơ quan lãnh đạo của Đoàn vi phạm rất nghiêm trọng Điều lệ Đoàn, không đủ khả năng lãnh đạo công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

2.2. Đối với cán bộ đoàn, đoàn viên

- Khiển trách: áp dụng đối với những cán bộ đoàn, đoàn viên mắc khuyết điểm lần đầu, khuyết điểm ở mức độ nhẹ, nhất thời, ảnh hưởng gây tác hại trong phạm vi hẹp, đã nhận thấy khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa.

- Cảnh cáo: áp dụng đối với cán bộ đoàn, đoàn viên vi phạm kỷ luật bị khiển trách mà còn tái phạm hoặc tuy mới vi phạm lần đầu nhưng mang tính chất tương đối nghiêm trọng, phạm vi ảnh hưởng tương đối rộng.

- Cách chức: áp dụng đối với cán bộ đoàn vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu đến tổ chức Đoàn, không xứng đáng để giữ chức vụ đó.

Khi áp dụng hình thức kỷ luật cách chức cần lưu ý đối với cán bộ giữ nhiều chức vụ, cụ thể như sau:

+ Cán bộ giữ nhiều chức vụ vi phạm kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cách một chức, nhiều chức hay cách hết chức vụ Đoàn hiện đang đảm nhiệm.

+ Trường hợp cán bộ đoàn giữ nhiều chức vụ trong một cấp như là bí thư (hoặc phó bí thư), ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành... khi vi phạm kỷ luật phải cách chức thì: nếu cách chức bí thư (hoặc phó bí thư) còn là ủy viên ban thường vụ và ủy viên ban chấp hành; nếu cách chức ủy viên ban thường vụ còn là ủy viên ban chấp hành; nếu cách chức ủy viên ban chấp hành thì hết các chức vụ.

+ Trường hợp một cán bộ giữ nhiều chức vụ ở nhiều cấp khi vi phạm kỷ luật phải cách chức thì cách chức ở cấp nào thì chỉ mất chức ở cấp đó, các chức vụ ở cấp khác vẫn còn.

+ Trường hợp một cán bộ vừa là ủy viên ban chấp hành vừa là ủy viên ủy ban kiểm tra cùng cấp, khi vi phạm kỷ luật phải cách chức thì: nếu cách chức ủy viên ban chấp hành không còn chức ủy viên ban kiểm tra; nếu cách chức ủy viên ban kiểm tra thì tùy thuộc mức độ sai phạm đề nghị cấp bộ đoàn xem xét tư cách ủy viên ban chấp hành.

- Khai trừ:

+ Là hình thức kỷ luật cao nhất của Đoàn, áp dụng đối với cán bộ đoàn, đoàn viên phạm khuyết điểm ở mức rất nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu đến tổ chức Đoàn, không xứng đáng được đứng trong hàng ngũ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

+ Đoàn viên bị khai trừ, sau một năm thì được xem xét kết nạp lại. Thời gian bị khai trừ không được tính tuổi đoàn viên.

2.3. Một số trường hợp không phải là hình thức kỷ luật

- Đình chỉ chức vụ, đình chỉ công tác đối với cán bộ đoàn và đình chỉ công tác, sinh hoạt đoàn đối với đoàn viên để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kiểm tra và kết luận những vi phạm có khuyết điểm có liên quan đến đoàn viên hoặc cán bộ đó. Thời gian đình chỉ không quá 3 tháng. 

Quá thời gian 3 tháng, chưa có kết luận kiểm tra, nếu thấy cần thiết có thể tiếp tục đình chỉ lần thứ 2, thời gian đình chỉ lần thứ 2 không quá 3 tháng.

- Xóa tên trong danh sách đoàn viên trong các trường hợp: Đoàn viên không tham gia sinh hoạt Đoàn hoặc không đóng đoàn phí ba tháng trong một năm mà không có lý do chính đáng thì hội nghị chi đoàn xem xét, quyết định xóa tên trong danh sách đoàn viên và báo cáo lên Đoàn cấp trên trực tiếp.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,011

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn