Quy định về hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
03/12/2022 17:00 PM

Xin hỏi về phạm vi và loại cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được quy định ra sao? - Ngọc Phỉ (Tiền Giang)

Quy định về hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 

Quy định về hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định về Ngân hàng Chính sách xã hội

Theo Điều 2 Điều lệ ban hành kèm theo Quyết định 16/2003/QĐ-TTg quy định về Ngân hàng Chính sách xã hội như sau:

- Ngân hàng Chính sách xã hội là một pháp nhân.

- Tên tiếng Việt: Ngân hàng Chính sách xã hội (Viết tắt là: NHCSXH)

- Tên giao dịch quốc tế: Vietnam bank for Social Policies (Viết tắt là: VBSP)

- Hội sở chính đặt tại Thủ đô Hà Nội.

- Vốn điều lệ là 5.000.000.000.000 đồng (năm nghìn tỷ đồng).

- Có con dấu; có tài khoản mở tại Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng trong nước và ngoài nước.

- Có bảng cân đối tài chính, các quỹ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo Điều 3 Điều lệ ban hành kèm theo Quyết định 16/2003/QĐ-TTg thì thời gian hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội là 99 năm.

2. Quy định về hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 

Hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Mục II Chương 2 Điều lệ ban hành kèm theo Quyết định 16/2003/QĐ-TTg như sau:

2.1. Phạm vi cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 

Phạm vi cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm:

- Hộ nghèo.

- Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề.

- Các đối tượng cần vay vốn để giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120/HĐBT ngày 11 tháng 4 năm 1992.

- Các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

- Các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo; thuộc khu vực II, III miền núi và thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (sau đây gọi là Chương trình 135).

- Các đối tượng khác khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2.2. Mục đích sử dụng vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 

Vốn cho vay được sử dụng vào các việc sau:

- Đối với hộ nghèo; hộ sản xuất kinh doanh thuộc hải đảo, thuộc khu vực II, III miền núi và các xã thuộc Chương trình 135, sử dụng vốn vay để:

+ Mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi, thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh;

+ Góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về: nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch, học tập.

- Đối với các tổ chức kinh tế thuộc hải đảo, thuộc khu vực II, III miền núi và các xã thuộc Chương trình 135, sử dụng vốn vay để chi phí cho sản xuất, kinh doanh theo chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sử dụng vốn vay để mua sắm phương tiện học tập và các chi phí khác phục vụ cho việc học tập tại trường.

- Người vay là đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, sử dụng vốn vay để trả phí đào tạo, phí dịch vụ, tiền đặt cọc, vé máy bay.

- Người vay là các đối tượng khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Vốn nhận ủy thác cho vay ưu đãi được sử dụng theo hợp đồng ủy thác.

2.3. Loại cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội 

Loại cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm:

- Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay đến 12 tháng.

- Cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay từ trên 12 tháng đến 60 tháng.

- Cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay từ trên 60 tháng.

2.4. Điều kiện để được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội

Điều kiện để được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm:

- Người vay là hộ nghèo phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và phải có trong danh sách hộ nghèo được UBND cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của UBND cấp xã.

- Người vay là các đối tượng chính sách khác thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định trong Nghị định 78/2002/NĐ-CP.

2.5. Nguyên tắc tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội 

Nguyên tắc tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội như sau:

- Người vay phải sử dụng vốn vay đúng mục đích xin vay.

- Người vay phải trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi.

2.6. Uỷ thác cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội

- Uỷ thác cho vay:

+ Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đến Người vay thông qua các tổ chức nhận ủy thác. Bên nhận ủy thác là người giải ngân và thu nợ trực tiếp đến Người vay và được hưởng phí ủy thác;

+ Bên nhận ủy thác là tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định hiện hành về ủy thác và nhận ủy thác cho vay vốn của tổ chức tín dụng;

+ Bên nhận ủy thác là tổ chức chính trị - xã hội cần có các điều kiện sau:

++ Có đội ngũ cán bộ am hiểu nghiệp vụ cho vay;

++ Có mạng lưới hoạt động đến vùng nghèo, hộ nghèo;

++ Có uy tín trong nhân dân, có tín nhiệm với Ngân hàng Chính sách xã hội;

++ Có điều kiện tổ chức kế toán, thống kê, báo cáo theo các quy định cụ thể của Ngân hàng Chính sách xã hội;

+ Nội dung, phạm vi, mức độ, phí ủy thác, quyền và nghĩa vụ của bên ủy thác, bên nhận ủy thác được thể hiện trong hợp đồng ủy thác do hai bên thỏa thuận;

+ Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội và Thủ trưởng đơn vị bên nhận ủy thác là đại diện pháp nhân trong việc ký hợp đồng ủy thác. 

Nếu bên nhận ủy thác là pháp nhân ở cấp tỉnh, huyện, xã thì Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, Phòng giao dịch được Tổng Giám đốc ủy quyền ký hợp đồng ủy thác.

- Ở những nơi có Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đặt trụ sở, được thực hiện cho vay trực tiếp đến Người vay.

- Quy chế về ủy thác cho vay, Quy chế hoạt động và trả thù lao cho Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện theo quy định của Hội đồng quản trị trong phạm vi mức phí quản lý của Ngân hàng Chính sách xã hội được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2.7. Lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội

Lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được quy định như sau:

- Lãi suất cho vay ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, thống nhất một mức trong phạm vi cả nước;

Trừ các tổ chức kinh tế thuộc đối tượng được quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 2 Nghị định 78/2002/NĐ-CP do Hội đồng quản trị quyết định có phân biệt lãi suất giữa khu vực II và khu vực III:

+ Các đối tượng cần vay vốn để giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120/HĐBT ngày 11 tháng 04 năm 1992.

+ Các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo; thuộc khu vực II, III miền núi và thuộc Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (sau đây gọi là Chương trình 135).

- Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

2.8. Rủi ro tín dụng và xử lý rủi ro

- Ngân hàng Chính sách xã hội được trích lập quỹ dự phòng rủi ro tín dụng vào chi phí nghiệp vụ để bù đắp những khoản rủi ro do nguyên nhân khách quan thuộc diện đơn lẻ, cục bộ. 

Mức trích được tính bằng 0,02% trên số dư nợ bình quân năm. Trường hợp quỹ dự phòng rủi ro tín dụng không sử dụng hết trong năm, được chuyển sang năm sau. Trường hợp quỹ dự phòng rủi ro không đủ bù đắp số rủi ro trong năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị trình Bộ trưởng Bộ Tài chính giải quyết.

- Người vay không trả được nợ do nguyên nhân khách quan gây ra như: thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, chính sách Nhà nước thay đổi, biến động giá cả thị trường được giải quyết như sau:

+ Trường hợp xảy ra trên diện rộng, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

+ Trường hợp xảy ra ở diện đơn lẻ, cục bộ được cho gia hạn nợ hoặc xử lý từ quỹ dự phòng rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội đồng quản trị quyết định.

- Những thiệt hại do nguyên nhân chủ quan của Người vay, của tổ chức nhận ủy thác, của cán bộ, viên chức Ngân hàng Chính sách xã hội gây ra thì các đối tượng này phải bồi hoàn và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2.9. Mức cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội

Mức cho vay đối với một lần vay phù hợp với từng loại đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi do Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định và công bố trên cơ sở nhu cầu vay vốn và khả năng nguồn vốn có thể huy động được trong từng thời kỳ.

2.10. Thời hạn cho vay, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội

- Thời hạn cho vay được quy định căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay của Người vay và thời hạn thu hồi vốn của chương trình, dự án có tính đến khả năng trả nợ của Người vay.

- Trường hợp Người vay chưa trả được nợ đúng kỳ hạn đã cam kết do chưa thu hoạch, bị kéo dài so với dự kiến hoặc chưa tiêu thụ được sản phẩm, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nơi cho vay xem xét cho gia hạn nợ. 

Việc cho gia hạn nợ của các tổ chức nhận ủy thác cho vay tùy thuộc vào sự thoả thuận giữa bên ủy thác và bên nhận ủy thác ghi trong hợp đồng.

- Trường hợp cho vay lưu vụ: thời hạn cho vay là thời hạn của chu kỳ sản xuất tiếp theo.

- Trường hợp Người vay sử dụng vốn vay sai mục đích; Người vay có khả năng trả khoản nợ đến hạn nhưng chây ỳ không trả thì chuyển nợ quá hạn. Tổ chức cho vay kết hợp với chính quyền sở tại, các tổ chức chính trị - xã hội có biện pháp thu hồi nợ.

- Thời hạn cho vay, gia hạn nợ, chuyển cho vay lưu vụ, chuyển sang nợ chờ xử lý, chuyển nợ quá hạn thực hiện theo quy định của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 50,468

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]