Ngân hàng hợp tác xã là gì? 06 quy định về ngân hàng hợp tác xã

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
15/09/2022 11:05 AM

Ngân hàng hợp tác xã là gì? Ngân hàng hợp tác xã được quy định như thế nào? – Quốc Cường (Ninh Thuận)

Ngân hàng hợp tác xã là gì? 06 quy định về ngân hàng hợp tác xã

Ngân hàng hợp tác xã là gì? 06 quy định về ngân hàng hợp tác xã

1. Ngân hàng hợp tác xã là gì?

Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân.

Trong đó, Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

(Khoản 6, 7 Luật Các tổ chức tín dụng 2010)

2. Cơ cấu tổ chức của ngân hàng hợp tác xã

- Cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng hợp tác xã gồm Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc).

- Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban và thành viên khác của Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, am hiểu về hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và phải thuộc danh sách đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể thủ tục, hồ sơ chấp thuận danh sách dự kiến việc bầu, bổ nhiệm các chức danh trên.

- Ngân hàng hợp tác xã phải có kiểm toán nội bộ, hệ thống kiểm soát nội bộ và thực hiện kiểm toán độc lập theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

(Điều 75 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017)

3. Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã

- Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã không được trái với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật hợp tác xã và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Điều lệ ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

+ Tên, địa điểm đặt trụ sở chính;

+ Nội dung, phạm vi hoạt động;

+ Thời hạn hoạt động;

+ Vốn điều lệ và phương thức góp vốn;

+ Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và quyền, nghĩa vụ của Tổng giám đốc (Giám đốc);

+ Thể thức tiến hành Đại hội thành viên và thông qua quyết định của Đại hội thành viên;

+ Quyền, nghĩa vụ của thành viên;

+ Các nguyên tắc tài chính, kế toán, kiểm soát và kiểm toán nội bộ;

+ Nguyên tắc trả lương, phụ cấp và thù lao công vụ, xử lý các khoản lỗ, chia lãi theo vốn góp, công sức đóng góp của thành viên và mức độ sử dụng dịch vụ của tổ chức tín dụng; nguyên tắc trích lập, quản lý và sử dụng các quỹ;

+ Thể thức quản lý, sử dụng, bảo toàn và xử lý phần tài sản chung, vốn tích lũy;

+ Các trường hợp và thủ tục về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản;

+ Thủ tục sửa đổi Điều lệ.

- Điều lệ, nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông qua.

(Điều 75 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, được sửa đổi bởi khoản 18 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017)

4. Hoạt động của ngân hàng hợp tác xã

Hoạt động của ngân hàng hợp tác xã được quy định tại Điều 117 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 như sau:

- Hoạt động chủ yếu của ngân hàng hợp tác xã là điều hòa vốn và thực hiện các hoạt động ngân hàng đối với thành viên là các quỹ tín dụng nhân dân.

- Ngân hàng hợp tác xã được thực hiện một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác theo quy định tại mục 2 Chương IV của Luật Các tổ chức tín dụng sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

5. Thời hạn, địa bàn hoạt động của ngân hàng hợp tác xã

- Thời hạn hoạt động của ngân hàng hợp tác xã tối đa là 99 (chín mươi chín) năm.

- Địa bàn hoạt động của ngân hàng hợp tác xã: trên phạm vi lãnh thổ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Ngân hàng hợp tác xã được thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; văn phòng đại diện ở nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

(Điều 5 Thông tư 31/2012/TT-NHNN)

6. Điều kiện cấp Giấy phép ngân hàng hợp tác xã

Điều kiện cấp Giấy phép ngân hàng hợp tác xã được quy định Thông tư 31/2012/TT-NHNN, Điều 5 Thông tư 17/2018/TT-NHNN như sau:

- Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ tại thời điểm đề nghị thành lập.

- Các thành viên là quỹ tín dụng nhân dân và pháp nhân khác phải đáp ứng quy định tại Điều 34 Thông tư 31/2012/TT-NHNN.

- Người quản lý, điều hành và thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và các Điều 23, 24 và 25 Thông tư 31/2012/TT-NHNN.

- Có Điều lệ phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi trong 03 (ba) năm đầu hoạt động.

7. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép ngân hàng hợp tác xã

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép ngân hàng hợp tác xã được quy định tại Điều 9 Thông tư 31/2012/TT-NHNN như sau:

(1) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép do Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng hợp tác xã dự kiến thành lập ký theo Phụ lục số 03.

Đơn đề nghị cấp Giấy phép

(2) Điều lệ ngân hàng hợp tác xã.

(3) Đề án thành lập ngân hàng hợp tác xã, trong đó nêu rõ:

- Sự cần thiết thành lập ngân hàng hợp tác xã;

- Tên ngân hàng hợp tác xã, địa điểm đặt trụ sở chính, thời hạn hoạt động, vốn điều lệ khi thành lập, nội dung hoạt động phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư này.

- Cơ cấu vốn góp của các thành viên, trong đó nêu rõ các thành viên góp vốn từ 05% vốn điều lệ trở lên;

- Cơ cấu tổ chức, nhân sự dự kiến.

- Năng lực quản lý rủi ro: Các loại rủi ro dự kiến phát sinh trong quá trình hoạt động (rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản...) và biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các loại rủi ro này;

- Công nghệ thông tin:

+ Dự kiến đầu tư tài chính cho công nghệ thông tin;

+ Khả năng, áp dụng công nghệ thông tin, trong đó nêu rõ: thời gian thực hiện đầu tư công nghệ; loại hình công nghệ dự kiến áp dụng; cán bộ dự kiến và khả năng của cán bộ trong việc áp dụng công nghệ thông tin; bảo đảm hệ thống thông tin có thể tích hợp và kết nối với hệ thống quản lý của Ngân hàng Nhà nước để cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý của Ngân hàng Nhà nước;

- Chiến lược phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động, việc cung cấp và phát triển các dịch vụ ngân hàng (phân tích rõ các dịch vụ dự kiến sẽ cung cấp, loại khách hàng...);

- Hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ:

+ Nguyên tắc hoạt động của hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ;

+ Các quy định nội bộ theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Luật các tổ chức tín dụng.

- Phương án kinh doanh dự kiến trong 03 năm đầu, tối thiểu phải bao gồm: Dự kiến kết quả hoạt động kinh doanh, chỉ tiêu an toàn vốn tối thiểu, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động và thuyết minh khả năng thực hiện phương án trong từng năm.

(4) Hồ sơ của những người dự kiến tham gia quản lý, kiểm soát và điều hành:

- Danh sách nhân sự dự kiến tham gia quản lý, kiểm soát và điều hành;

- Sơ yếu lý lịch (Phụ lục số 01), lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật;

Sơ yếu lý lịch

- Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác;

- Báo cáo công khai lợi ích liên quan theo quy định tại Điều 118 Luật Doanh nghiệp;

- Bản sao các văn bằng chứng minh trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

(5) Hồ sơ của thành viên:

- Danh sách các thành viên tham gia góp vốn vào ngân hàng hợp tác xã, trong đó có các nội dung chủ yếu sau:

+ Tên và địa điểm đặt trụ sở chính; Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; số vốn góp, tỷ lệ vốn góp, thời hạn góp vốn;

+ Họ và tên; địa chỉ thường trú; quốc tịch; số, ngày cấp, nơi cấp Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cá nhân là người đại diện vốn góp;

- Đơn đề nghị tham gia thành viên ngân hàng hợp tác xã;

- Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc văn bản tương đương (đối với pháp nhân không phải là tổ chức tín dụng);

- Văn bản của cấp có thẩm quyền chấp thuận cho tổ chức (trừ các quỹ tín dụng nhân dân) được góp vốn thành lập ngân hàng hợp tác xã (nếu có);

- Điều lệ (đối với pháp nhân không phải là tổ chức tín dụng)

- Văn bản ủy quyền người đại diện pháp nhân (bao gồm cả đại diện phần vốn góp) tham gia là thành viên tại ngân hàng hợp tác xã theo quy định của pháp luật;

- Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp của người được ủy quyền đại diện hợp pháp của pháp nhân không phải là tổ chức tín dụng góp vốn tại ngân hàng hợp tác xã;

- Bản kê khai người có liên quan của thành viên không phải là quỹ tín dụng nhân dân (Phụ lục số 02);

Bản kê khai

- Báo cáo tài chính năm liền kế năm đề nghị thành lập ngân hàng hợp tác xã và Báo cáo tài chính đến thời điểm gần nhất nhưng không quá 90 ngày trở về trước tính từ thời điểm có văn bản đề nghị tham gia góp vốn (đối với pháp nhân không phải tổ chức tín dụng);

- Bản kê khai nêu rõ về vốn góp, số cổ phần nắm giữ, tỷ lệ cổ phần của từng thành viên tại tổ chức tín dụng khác.

(6) Văn bản xác nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp địa điểm đặt trụ sở chính.

(7) Nghị quyết Đại hội thành viên đầu tiên về việc thành lập ngân hàng hợp tác xã.

(8) Nghị quyết của Đại hội thành viên đầu tiên về việc bầu chức danh Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban và các thành viên Ban kiểm soát.

(9) Quyết định của Hội đồng quản trị về việc bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc ngân hàng hợp tác xã.

>>> Xem thêm: Phòng giao dịch ngân hàng hợp tác xã có thể đăng ký địa bàn hoạt động phạm vi liên tỉnh hay không?

Hoạt động huy động vốn, cấp tín dụng của Ngân hàng Hợp tác xã hiện nay ra sao? Cơ cấu tổ chức của ngân hàng hợp tác xã như thế nào?

Văn phòng đại diện của ngân hàng hợp tác xã có được thực hiện chức năng kinh doanh thay cho ngân hàng không?

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,204

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn