Quân đội nhân dân là gì? Chức năng nhiệm vụ của quân đội nhân dân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
04/08/2022 15:47 PM

“Quân đội nhân dân nước ta hiện nay có chức năng và nhiệm vụ như thế nào?” Minh Phương (Đắk Lắk)

Quân đội nhân dân là gì? Chức năng nhiệm vụ của quân đội nhân dân

Quân đội nhân dân là gì? Chức năng nhiệm vụ của quân đội nhân dân (Hình từ Internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quân đội nhân dân là gì?

Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân có Bộ đội chủ lực và Bộ đội địa phương.

Ngày 22 tháng 12 hằng năm là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân, ngày hội quốc phòng toàn dân.

Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây gọi chung là sĩ quan) là cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực quân sự, được Nhà nước phong quân hàm cấp Úy, cấp Tá, cấp Tướng.

(Khoản 1 Điều 25 Luật Quốc Phòng 2018; Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi 2008, 2014))

2. Chức năng nhiệm vụ của quân đội nhân dân

Quân đội nhân dân có chức năng, nhiệm vụ sau:

- Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước;

- Thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

(Khoản 2 Điều 25 Luật Quốc Phòng 2018)

3. Công tác xây dựng quân đội nhân dân

Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu; 

Một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

(Khoản 3 Điều 25 Luật Quốc Phòng 2018)

4. Chỉ huy Quân đội nhân dân

- Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ có hệ thống chỉ huy được tổ chức theo quy định của pháp luật.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người chỉ huy cao nhất trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ.

- Bộ trưởng Bộ Công an là người chỉ huy cao nhất trong Công an nhân dân.

(Điều 28 Luật Quốc Phòng 2018)

5. Hệ thống cấp bậc quân hàm của sĩ quan quân đội nhân dân

Hệ thống cấp bậc quân hàm của sĩ quan gồm ba cấp, mười hai bậc:

- Cấp Uý có bốn bậc:

+ Thiếu uý;

+ Trung uý;

+ Thượng uý;

+ Đại uý.

- Cấp Tá có bốn bậc:

+ Thiếu tá;

+ Trung tá;

+ Thượng tá;

+ Đại tá.

- Cấp Tướng có bốn bậc:

+ Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân;

+ Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân;

+ Thượng tướng, Đô đốc Hải quân;

+ Đại tướng.

(Điều 10 Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi 2008, 2014))

6. Chức vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân

Chức vụ cơ bản của sĩ quan gồm có:

(1) Trung đội trưởng;

(2) Đại đội trưởng, Chính trị viên Đại đội;

(3) Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn;

(4) Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn; 

Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;

(5) Lữ đoàn trưởng, Chính ủy Lữ đoàn;

(6) Sư đoàn trưởng, Chính ủy Sư đoàn; 

Chỉ huy trưởng vùng Hải quân, Chính ủy vùng Hải quân; Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển, Chính ủy vùng Cảnh sát biển; 

Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; 

Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh;

(7) Tư lệnh Quân đoàn, Chính ủy Quân đoàn; 

Tư lệnh Binh chủng, Chính ủy Binh chủng;

(8) Tư lệnh Quân khu, Chính ủy Quân khu; 

Tư lệnh Quân chủng, Chính ủy Quân chủng; 

Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng;

(9) Chủ nhiệm Tổng cục, Chính ủy Tổng cục;

(10) Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;

(11) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ngoài ra, chức vụ tương đương với chức vụ (8), (9); chức vụ tương đương với chức vụ (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7).

(Điều 10 Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 (sửa đổi 2008, 2014))

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 76,915

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn