Mức đóng đảng phí của đảng viên mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
31/12/2023 15:27 PM

Mức đóng đảng phí năm 2024 của đảng viên là bao nhiêu? Những khoản thu nhập nào không tính đóng đảng phí? - Tuấn Vỹ (TPHCM)

Mức đóng đảng phí của đảng viên

Mức đóng đảng phí của đảng viên (Hình từ internet)

Mức đóng đảng phí năm 2024 là bao nhiêu?

Mức đóng đảng phí năm 2024 của đảng viên được hướng dẫn tại Công văn 141-CV/VPTW/nb ngày 17/3/2011.

Theo đó, thu nhập hằng tháng của đảng viên để tính đóng đảng phí bao gồm: tiền lương, một số khoản phụ cấp; tiền công; sinh hoạt phí; thu nhập khác.

Đảng viên xác định được thu nhập thường xuyên, đóng đảng phí theo tỉ lệ (%) của thu nhập hằng tháng (chưa tính trừ thuế thu nhập cá nhân); đảng viên khó xác định được thu nhập thì quy định mức đóng cụ thể hằng tháng cho từng loại đối tượng.

1. Đảng viên trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội

Mức đóng đảng phí của “đảng viên trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đóng đảng phí hằng tháng bằng 1% tiền lương (tiền lương theo ngạch bậc tiền lương tăng thêm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền), các khoản phụ cấp tính đóng bảo hiểm xã hội; tiền công” thu nhập tính đóng đảng phí của đảng viên bao gồm:

- Tiền lương theo ngạch bậc, tiền lương tăng thêm do thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 130/2005/NĐ-CPThông tư 03/2006/TTLT-BTC-BNV.

- Các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung, thâm niên nghề được tính đóng bảo hiểm xã hội.

- Đảng viên là đối tượng hưởng chế độ tiền công thì đóng đảng phí hằng tháng bằng 1% tiền công được hưởng.

- Các khoản phụ cấp không tính thu nhập đóng đảng phí, như: phụ cấp thu hút, ưu đãi, phụ cấp nghề không tính đóng bảo hiểm xã hội.

2. Đảng viên hưởng lương bảo hiểm xã hội, đóng đảng phí hằng tháng bằng 0,5% mức tiền lương bảo hiểm xã hội.

3. Đảng viên làm việc trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế:

3.1. "Đảng viên làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế (sự nghiệp kinh tế, giáo dục, y tế, báo chí...), mức đóng đảng phí hằng tháng bằng 1% tiền lương (bao gồm cả tiền lương tăng thêm), phụ cấp tính đóng bảo hiểm xã hội; tiền công”; thu nhập tính đóng đảng phí bao gồm:

- Tiền lương theo ngạch bậc; tiền lương tăng thêm (nếu có) được cơ quan có thẩm quyền quyết định và phê duyệt.

- Các khoản thu nhập tăng thêm khác được chi từ quỹ tiền lương của đơn vị.

- Các khoản phụ cấp được tính đóng bảo hiểm xã hội.

- Đảng viên là đối tượng hưởng chế độ tiền công thì đóng đảng phí hằng tháng bằng 1% tiền công được hưởng.

3.2. “Đảng viên làm việc trong các doanh nghiệp, mức đóng đảng phí hằng tháng bằng 1% tiền lương, phụ cấp tính đóng bảo hiểm xã hội; tiền công và các khoản thu nhập khác từ quỹ tiền lương của đơn vị” được hướng dẫn như sau:

- Các khoản thu nhập từ quỹ tiền lương của doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm, các khoản tiền lương tăng thêm từ kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị.

- Đảng viên là đối tượng hưởng chế độ tiền công thì đóng đảng phí hằng tháng bằng 1% tiền công được hưởng.

4. Đảng viên khác ở trong nước:

4.1. Đảng viên thuộc các ngành nghề nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lao động tự do…:

- Trong độ tuổi lao động:

+ Khu vực nội thành thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương đóng đảng phí 10.000 đồng/tháng.

+ Khu vực nội thành đô thị loại I, loại II, loại III của các tỉnh trực thuộc Trung ương đóng đảng phí 8.000 đồng/tháng.

+ Khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (địa bàn khu vực III theo quy định của Chính phủ) đóng đảng phí 4.000 đồng/tháng.

+ Các khu vực còn lại đóng đảng phí 6.000 đồng/tháng.

- Đối với đảng viên ngoài độ tuổi lao động (trên 55 tuổi đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam); đảng viên là thương binh, bệnh binh, người mất sức lao động, mức đóng đảng phí bằng 50% đảng viên trong độ tuổi lao động theo từng khu vực.

4.2. Đảng viên là học sinh, sinh viên không hưởng lương, phụ cấp, mức đóng đảng phí 3.000 đồng/tháng.

4.3. Đảng viên là chủ trang trại; chủ cửa hàng thương mại, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, mức đóng đảng phí theo các khu vực như sau : Khu vực nội thành thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương đóng đảng phí 30.000 đồng/tháng.

- Khu vực nội thành đô thị loại I, loại II, loại III của các tỉnh trực thuộc Trung ương đóng đảng phí 25.000 đồng/tháng.

- Khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (địa bàn khu vực III theo quy định của Chính phủ) đóng đảng phí 15.000 đồng/tháng.

- Các khu vực còn lại đóng đảng phí 20.000 đồng/tháng.

5. Đảng viên sống, học tập, làm việc ở ngoài nước:

5.1. Đảng viên ra ngoài nước theo diện được hưởng lương hoặc sinh hoạt phí: cơ quan đại diện (kể cả phu nhân, phu quân); doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài và lưu học sinh, chuyên gia, cộng tác viên…, mức đóng đảng phí bằng 1% tiền lương hoặc sinh hoạt phí.

5.2. Đảng viên đi du học tự túc; đảng viên đi xuất khẩu lao động; đảng viên đi theo gia đình, đảng viên là thành phần tự do làm ăn sinh sống:

- Đảng viên đi du học tự túc, đảng viên đi theo gia đình, đảng viên là thành phần tự do làm ăn sinh sống:

+ Đảng viên đi du học tự túc, đảng viên đi theo gia đình, mức đóng là 2 USD/tháng.

+ Đảng viên là thành phần tự do làm ăn sinh sống; kinh doanh, dịch vụ nhỏ, mức đóng là 3 USD/tháng.

- Đảng viên đi xuất khẩu lao động :

+ Làm việc tại các nước thuộc các nước công nghiệp phát triển và các nước có mức thu nhập bình quân trên đầu người cao (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…), mức đóng đảng phí hằng tháng là 4 USD/tháng.

+ Làm việc tại các nước còn lại, mức đóng hằng tháng là 2 USD/tháng.

5.3. Đảng viên là chủ hoặc đồng chủ sở hữu các doanh nghiệp, khu thương mại, mức đóng đảng phí tối thiểu hằng tháng là 10 USD/tháng.

**Các khoản phụ cấp, trợ cấp được trả bằng hiện vật; các khoản phụ cấp không tính đóng bảo hiểm xã hội; trợ cấp chính sách xã hội như: trợ cấp người hoạt động cách mạng trước năm 1945, trợ cấp Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, trợ cấp thương tật, trợ cấp thân nhân liệt sĩ, trợ cấp nhiễm chất độc da cam…. không tính vào thu nhập để tính đóng đảng phí.

Đảng viên có nhiều nguồn thu nhập thì tính đóng đảng phí theo thu nhập ở cơ quan, đơn vị hoặc tại địa bàn nơi đảng viên sinh hoạt đảng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 300,498

Bài viết về

lĩnh vực Đảng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn