Nhập khẩu thủy sản sống làm thực phẩm vượt quá khối lượng cấp phép bị phạt bao nhiêu tiền?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
10/04/2024 12:45 PM

Cho tôi hỏi nhập khẩu thủy sản sống làm thực phẩm vượt quá khối lượng cấp phép bị phạt bao nhiêu tiền? - Kim Huệ (Cao Bằng)

Nhập khẩu thủy sản sống làm thực phẩm vượt quá khối lượng cấp phép bị phạt bao nhiêu tiền?

Nhập khẩu thủy sản sống làm thực phẩm vượt quá khối lượng cấp phép bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 05/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.  Nghị định 38/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2024.

Nhập khẩu thủy sản sống làm thực phẩm vượt quá khối lượng cấp phép bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo Điều 18 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định về nhập khẩu, xuất khẩu thủy sản sống như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Nhập khẩu thủy sản sống về làm thực phẩm vượt quá khối lượng hoặc không đúng kích cỡ đã được cấp phép;

+ Nhập khẩu thủy sản sống về làm thực phẩm không đúng mục đích sử dụng hoặc thời hạn của giấy phép;

+ Nhập khẩu thủy sản sống về làm thực phẩm không đúng nhà xuất khẩu hoặc quốc gia xuất khẩu hoặc cửa khẩu nhập khẩu ghi trong giấy phép;

+ Nuôi giữ không đúng địa chỉ theo giấy phép đối với thủy sản sống nhập khẩu về làm thực phẩm;

+ Sử dụng dụng cụ, thiết bị lưu giữ thủy sản sống nhập khẩu về làm thực phẩm không đúng Kế hoạch kiểm soát;

+ Không tuân thủ biện pháp quản lý rủi ro tại kế hoạch kiểm soát thủy sản sống hoặc phương án xử lý đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sau khi nhập khẩu thủy sản về làm cảnh, giải trí, trưng bày tại hội chợ, triển lãm, nghiên cứu khoa học.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi để mỗi loài thủy sản sống nhập khẩu về làm thực phẩm thoát ra môi trường tự nhiên hoặc phát tán, phóng sinh hoặc cho sinh sản trái phép đối với thủy sản sống nhập khẩu thủy sản về làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí, trưng bày tại hội chợ, triển lãm, nghiên cứu khoa học.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu thủy sản sống chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam dùng làm thực phẩm, làm cảnh hoặc giải trí hoặc trưng bày tại hội chợ, triển lãm, nghiên cứu khoa học chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xuất khẩu loài thủy sản sống có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu hoặc Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu lô hàng thủy sản đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều 18 Nghị định 38/2024/NĐ-CP.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc tái xuất lô thủy sản sống, trường hợp không tái xuất được thì buộc tiêu hủy đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 18 Nghị định 38/2024/NĐ-CP;

+ Buộc tái xuất lô thủy sản sống nhập khẩu dùng làm thực phẩm, trường hợp không thể tái xuất được thì buộc tiêu hủy đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định 38/2024/NĐ-CP;

+ Buộc vây bắt, tiêu diệt loài thủy sản sống bị thoát ra môi trường tự nhiên hoặc thủy sản được cho sinh sản trái phép từ loài thủy sản sống đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 38/2024/NĐ-CP.

Ngoài ra, các mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

(Khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2024/NĐ-CP)

Như vậy, việc cá nhân nhập khẩu thủy sản sống làm thực phẩm vượt quá khối lượng cấp phép có thể bị xử phạt lên đến 20.000.000 đồng. Còn đối với tổ chức có thể bị phạt lên đến 40.000.000 đồng.

Quy định về nhập khẩu, xuất khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản

Căn cứ Điều 98 Luật thủy sản 2017 quy định về nhập khẩu, xuất khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản như sau:

- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản phải có hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức, cá nhân xuất khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu và quy định tại khoản 3 Điều 98 Luật thủy sản 2017.

- Tổ chức, cá nhân được phép xuất khẩu thủy sản sống trong các trường hợp sau đây:

+ Không có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu;

+ Có tên trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện khi đáp ứng các điều kiện quy định trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện;

+ Có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu hoặc không đáp ứng điều kiện quy định trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện vì mục đích nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thủy sản sống chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí phải được đánh giá rủi ro theo quy định và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép. Đối với nhập khẩu thủy sản sống chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để trưng bày tại hội chợ, triển lãm, nghiên cứu khoa học phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất, kinh doanh thủy sản tại nước xuất khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sau đây:

+ Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau;

+ Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, môi trường đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam.

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục đánh giá rủi ro, cấp phép nhập khẩu thủy sản sống.

- Chính phủ ban hành Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu, Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 260

Bài viết về

lĩnh vực Xuất nhập khẩu

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn